Niềm tin đã mất, blue-chips lên là xả?

0:00 / 0:00
0:00
Thanh khoản càng ngày càng tụt giảm, thị trường nhích tăng đã gặp lực bán xuất hiện đè xuống. Đó là kiểu diễn biến bất lợi trong bối cảnh nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn...
Nhóm cổ phiếu nhỏ lại tăng rực rỡ trong khi blue-chips bị xả.
Nhóm cổ phiếu nhỏ lại tăng rực rỡ trong khi blue-chips bị xả.

Thanh khoản càng ngày càng tụt giảm, thị trường nhích tăng đã gặp lực bán xuất hiện đè xuống. Đó là kiểu diễn biến bất lợi trong bối cảnh nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn.

Chiều nay thị trường lại có thêm một nỗ lực tăng nữa. VN-Index thậm chí còn vươn lên đỉnh cao mới lúc 2h, tăng 0,58% so với tham chiếu. Từ đỉnh cao này, một đợt xả khá mạnh xuất hiện, ép chỉ số đến cuối phiên, giảm 0,21%.

Diễn biến tăng trước giảm sau như vậy lại xuất hiện trên nền thanh khoản rất thấp. Cả phiên chiều HoSE chỉ khớp được 9.103 tỷ đồng, giảm 30% so với phiên sáng. Điều đó nghĩa là lực cầu đỡ rất yếu vì nhịp lao dốc cuối cùng biên độ giảm ở VN-Index cũng tới 0,8%.

Chiều nay khả năng co kéo các mã trụ đã không thành công. Nhịp tăng tốt nhất buổi chiều xuất phát từ biến động đột ngột của VIC và MSN. VIC có ảnh hưởng hơn cả vì vốn hóa rất lớn. Mã này từ khoảng 1h45 đến 2h05 tăng vụt từ 106.700 đồng lên 108.500 đồng, tương đương thay đổi +1,69% trong thời gian rất ngắn. MSN vốn hóa nhỏ hơn và mức biến động trong cùng thời gian cũng khoảng 1,2%. Một số cổ phiếu lớn như VHM, VNM, SAB hay các mã ngân hàng cũng có nhịp nảy giá nhỏ.

Tổng hợp các biến động này dưới sự dẫn dắt của VIC đã giúp VN-Index lẫn VN30-Index tăng lên đỉnh cao mới trong ngày. Diễn biến này khá kích thích, nhưng cơ bản vẫn dựa trên lối đánh chớp nhoáng với thanh khoản rất thấp. Ví dụ VN30 trong 20 phút huy hoàng này biến động +0,47%, giao dịch cả rổ chỉ chưa tới 700 tỷ đồng. VIC kéo mạnh nhất, giao dịch chỉ hơn 54 tỷ đồng.

Không có nhiều nhà đầu tư tham gia mua đuổi trong biến động tăng này, nhưng luôn có lực cung thường trực, “rình” giá tốt để xả. Tất cả các trụ kéo của nhịp tăng ngắn nói trên đều nhanh chóng sụt giảm trở lại, kể cả VIC cũng lao dốc khoảng 1,2% so với đỉnh, đóng cửa còn tăng 1,13% so với tham chiếu. Rất nhiều blue-chips hôm nay đã tạo một bull-trap khá lớn trong ngày với biên độ 2-3% như BID, CTG, HDB, GVR, NVL, POW, SSI, STB, TPB, VPB. Có thể thấy cổ phiếu ngân hàng chiếm áp đảo trong số này.

Vn30-Index thể hiện sự yếu ớt trong nhóm blue-chips.

Vn30-Index thể hiện sự yếu ớt trong nhóm blue-chips.

Cổ phiếu ngân hàng cũng là tiêu biểu cho sự suy giảm của dòng tiền. 10 cổ phiếu ngân hàng trong VN30 giao dịch còn chưa tới 2,5 ngàn tỷ đồng, giảm khoảng 23% so với hôm qua. Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên HoSE giảm 25%. Tỷ trọng nhóm ngân hàng trong tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE chỉ còn 14,9%.

Thị trường quốc tế chiều nay hoàn toàn ổn định, biến động trong nước do cung cầu tự nhiên. Điều quan trọng nhất là các biến động bất ngờ không có thanh khoản thường chỉ do thay đổi ở một vài trụ lớn và rất thiếu ổn định. Hôm nay thị trường thậm chí đã có 2 nhịp hồi lên là bị xả từ sáng, nhưng với biên độ hẹp hơn. Nhịp thứ 3 trong buổi chiều đã đủ mạnh để xác lập một phiên giảm 3,14 điểm ở VN-Index tương đương 0,21% ngay cả khi VIC tăng 1,13%, MSN tăng 1,4%, SAB tăng 1,6%, PLX tăng 2,21% đỡ được gần 3 điểm.

Trong bối cảnh thị trường khá yếu, blue-chips không thể giữ nhịp, các mã đầu cơ lại có vẻ ổn định. HoSE kết phiên với 22 mã kịch trần, HNX có 24 mã và UpCOM là 26 mã. Giao dịch vẫn khá sôi động tại TTB, HDC, MCG, QBS, DLG, FCN, PLP, FTM, TDG, HCD, CEO, VIG, C69...

Sự thất bại của nhóm blue-chips một lần nữa đang hướng dòng tiền quay lại các mã đầu cơ. Tỷ trọng giao dịch tại VN30 lại co rút xuống còn chưa tới 34% sàn HoSE, trong khi phiên đầu tuần vẫn còn tới hơn 43% và trung bình tuần trước khoảng 40%.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gia tăng phiên chiều, tổng mức rút ròng cả ngày đạt 740,5 tỷ đồng. Khoảng một nửa số này (328 tỷ đồng) là rút đi với cổ phiếu thuộc VN30. HPG, MSN, SSI, CTG, GAS, VJC bị bán ròng nhiều nhất trong rổ blue-chips. Ngoài ra là DXG, KBC, CII, NLG, HCM, VGC.

Chuyên đề