Thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN. |
Về lãi suất, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản nhằm hỗ trợ kinh tế của ngân hàng trung ương các quốc gia, gồm: Mỹ (Fed), Châu Âu (ECB), Nhật (BOJ), Trung Quốc (BOC). Điều này – theo ông Ngọc - sẽ giúp mặt bằng lãi suất duy trì ở mức suất thấp nhất trong nhiều năm qua.
“Lãi suất tiền gửi tại Việt Nam đang rất thấp, khiến nhiều người phải xem xét tới các kênh đầu tư khác ngoài kênh truyền thống là gửi tiết kiệm”, ông Ngọc nói tại một buổi toạ đàm diễn ra ngày 26-3.
Tương tự, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại duy trì ở mức thấp là yếu tố khiến kênh chứng khoán hấp dẫn dòng tiền đầu tư.
Còn SSI Research cho biết một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân từ 10-40 điểm cơ bản, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức từ đầu tháng 3-2021.
Đơn vị nghiên cứu này dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ ổn định trong quý 1 và đầu quý 2-2021, trước khi nhích tăng từ cuối quý 2 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Theo SSI Research, những diễn biến này cùng kỳ vọng về việc kinh tế phục hồi trên diện rộng trong nửa sau của năm 2021 sẽ thúc đẩy thanh khoản thị trường. Đơn vị này ước tính tổng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam cả năm 2021 tăng 47,3% so với năm 2020, với giá trị giao tịch trung bình ở mưc 10.900 tỉ đồng mỗi ngày.
Về nhà đầu tư, bà Tạ Thanh Bình cho biết tâm lý của nhà đầu tư hiện nhận được sự hỗ trợ tốt từ thông tin vaccine Covid-19 được tiêm phổ biến ở các quốc gia và Việt Nam chuẩn bị nghiên cứu áp dụng "hộ chiếu vaccine".
Ngoài ra, sức hấp dẫn của thị trường cũng thể hiện ở số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tiệm cận mức 2,9 triệu tài khoản, tính tới cuối năm 2020.
“Tốc độ tăng trưởng mới tài khoản đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường đến nay”, bà Bình chia sẻ tại toạ đàm.
Về kinh tế vĩ mô, báo cáo của quỹ VinaCapital cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 là tốt hơn so với dự kiến, dù chịu ảnh hưởng từ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Việt Nam - không bao gồm lạm phát - ở mức 5,5% trong 2 tháng đầu năm 2021, trong khi 2 tháng đầu năm 2020 là 5,4%.
Kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 23% so với cùng giai đoạn năm 2020, nhờ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 35% và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử tăng 27%.
Còn kim ngạch nhập khẩu các linh kiện và bộ phận cần thiết để sản xuất ti-vi, điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ cao khác tăng 35% so với cùng giai đoạn năm 2020 cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng tới, theo VinaCapital.
Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cũng là cơ sở để ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường Việt Nam trong quý 2 và 3-2021.
“Yếu tố nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với các quốc gia trên thế giới vì ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn”, ông Ngọc phân tích.
Ngoài ra, ông Ngọc cho rằng cam kết duy trì lãi suất thấp tới hết năm 2023 của Fed và những quy định, chính sách sẽ được áp dụng trên thị thời gian tới, gồm: giảm số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mở ‘room’ ngoại với ngành nghề không có điều kiện sẽ giúp khơi thông dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, chủ chương cổ phần hoá, niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước trên sàn chứng khoán của Chính phủ cũng là yếu tố giúp thị trường Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Ngọc.
Dự báo triển vọng thị trường, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng chỉ số VNIndex có thể đạt mức 1.300-1.350 điểm trong năm 2021.
Theo ông Ngọc, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng về kết quả kinh doanh là 20% trong năm nay, khi nền kinh tế Việt Nam có nhiều điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm trong 5 -10 năm tới.
Cụ thể, doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành gồm: xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, tài nguyên cơ bản, sắt, thép, xi măng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, kinh tế số được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn tới, nhờ chủ chương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Còn doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành hàng không, du lịch, bất động sản, ngành bán lẻ, tiêu dùng cũng được hỗ trợ nhiều hơn khi đỉnh dịch qua đi và việc tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đại trà.