Những giá trị mới của Luật Đấu thầu 2023

(BĐT) - Với quan điểm, định hướng lấy cộng đồng doanh nghiệp, nhà thầu làm trung tâm cho mọi thiết kế chính sách, Luật Đấu thầu 2023 được các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu hồ hởi đón nhận và phản hồi tích cực. Trong số báo Chào năm mới 2024, Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu một số đánh giá, góc nhìn về những giá trị mới mà Luật Đấu thầu 2023 mang lại cũng như kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ luật này.

Thủ tục đấu thầu đơn giản, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm

Luật Đấu thầu 2023 gồm 10 chương với 96 điều, được ban hành nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Đồng thời, Luật cũng đơn giản hóa thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; phòng, chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Sẽ xuất hiện các vướng mắc mới, cần kịp thời điều chỉnh quy định để tháo gỡ

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Luật Đấu thầu 2023 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ hết các hoạt động đầu tư phát triển, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, không chỉ lựa chọn nhà thầu mà cả lựa chọn nhà đầu tư. Luật có nhiều quy định cải cách, tiến bộ, đặc biệt là đơn giản hoá thủ tục đấu thầu, tăng tính chủ động của bên mời thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, công khai, minh bạch thông tin đấu thầu... Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ ràng hơn về quy trình lựa chọn nhà đầu tư, khắc phục những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu 2023 sẽ tiếp tục xuất hiện những vướng mắc thực tế cần tháo gỡ. Vì vậy, VACC mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

Tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh do phân cấp nhiều hơn cho chủ đầu tư

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Sở hữu trí tuệ Davilaw

Một trong những điểm đang được chờ đợi nhất hiện nay của Luật Đấu thầu 2023 là giảm bớt các thủ tục hành chính do có sự phân cấp nhiều hơn cho chủ đầu tư khi thực hiện dự án. Điều này được các chủ đầu tư chờ đợi, vì thông qua việc phân cấp phê duyệt một số nội dung thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư như phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu… sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Do Luật Đấu thầu 2023 chưa thể lấp đầy các lỗ hổng hay mong muốn của các chủ đầu tư/bên mời thầu phát sinh trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm hướng dẫn chi tiết, cụ thể, qua đó giúp các chủ đầu tư/bên mời thầu có đủ hành lang pháp lý triển khai một cách hiệu quả.

Tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)

Sự chủ động có vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định, đối với hiệu quả kinh doanh của mọi DN. Trong bất kỳ chu trình sản xuất, cung ứng nào, hoạt động đầu vào cũng là yếu tố tiên quyết. Chính vì vậy, quy trình mua sắm, đầu tư cần đảm bảo phù hợp và linh hoạt nhất để DN nhanh chóng có giải pháp sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường. Luật Đấu thầu 2023 đã làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của dự án đầu tư của DN nhà nước theo hướng vừa chặt chẽ, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Luật Đấu thầu 2023 áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của DN nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và DN do DN nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Với quy định này, các DN cổ phần như PTSC sẽ tự chủ động công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp. Tôi kỳ vọng rất nhiều vào thay đổi này trong chính sách đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho DN chủ động, linh hoạt trong kinh doanh.

Doanh nghiệp, nhà thầu được đặt ở vị trí trung tâm của các chính sách

Ông Lê Hữu Việt Đức, Chủ tịch Hội Nhà thầu xây dựng TP.HCM

Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực là bước tiến dài trong quá trình cải cách thể chế để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch cho sự cạnh tranh giữa các nhà thầu. Từ các nội dung sửa đổi, bổ sung, chúng tôi nhận thấy Ban soạn thảo đã lấy doanh nghiệp, nhà thầu làm chủ thể quan trọng để định hướng sửa Luật. Hàng loạt thủ tục dẫn tới phát sinh chi phí, thời gian cho nhà thầu đã được gỡ bỏ, nhiều quy trình, thủ tục đã được rút gọn so với trước.

Là đại diện cho tiếng nói của các nhà thầu xây dựng TP.HCM nói riêng và nhà thầu xây dựng Việt Nam nói chung, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực này của cơ quan xây dựng và ban hành chính sách đấu thầu, góp phần tạo động lực cho sự cạnh tranh, lớn mạnh của cộng đồng nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Nhiều quy định mới khuyến khích đầu tư dự án sử dụng đất

Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Telin

Công ty CP Tập đoàn Telin (Telin Group) đánh giá cao những quy định mới của Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là đơn giản hóa quy trình, thủ tục, bỏ bước đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư mà đấu thầu luôn sau khi công bố dự án.

Bên cạnh đó, quy định về ưu đãi với nhà đầu tư; các tiêu chuẩn đánh giá bao quát cả về kỹ thuật, xã hội, môi trường sẽ khuyến khích DN ứng dụng công nghệ mới vào đầu tư xây dựng, tạo nên những công trình xanh, nơi an cư có môi trường sống tốt hơn.

Để các quy định tại Luật khả thi, cần hướng dẫn cụ thể, lượng hóa được để tránh việc trục lợi từ chính sách và thuận lợi khi đánh giá hồ sơ dự thầu, vì những tiêu chuẩn về xã hội, môi trường trong phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư rất khó đánh giá nếu không lượng hóa chi tiết.

Điều quan trọng hơn, dự án đầu tư có sử dụng đất có liên quan chặt chẽ với Luật Đất đai, hiện đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi, vì thế, cần có sự đồng bộ, tháo gỡ từ Luật Đất đai. Trong đó, mấu chốt để đảm bảo hiệu quả công tác đấu thầu, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư là các chi phí nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án phải rõ ràng ngay tại hồ sơ mời thầu, đặc biệt là tiền sử dụng đất, vì đây là khoản chi phí lớn nhất mà nhà đầu tư phải nộp.

Luật Đấu thầu 2023 là hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động đấu thầu

Ông Lưu Công Hữu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng

Luật Đấu thầu 2023 với nhiều điểm mới quy định đầy đủ, chặt chẽ các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giúp nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng đánh giá rất cao việc Luật Đấu thầu 2023 lược bỏ một số thủ tục về thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu; quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu và quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2023 cũng phân cấp Chủ tịch UBND các tỉnh được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, góp phần tăng cường trách nhiệm và tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các bên liên quan, tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu.

Theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023, từ năm 2024 trở đi sẽ đấu thầu qua mạng 100% đối với các gói thầu không quá 500 tỷ đồng. Cao Bằng là địa phương miền núi phía Bắc, mỗi năm có khoảng 2.000 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước và ít gói thầu có quy mô lên đến 500 tỷ đồng. Do đó, Cao Bằng sẽ tăng cường đấu thầu qua mạng triệt để, từ đó góp phần công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận.

Tăng cường công khai, minh bạch và hiệu quả đấu thầu thông qua giám sát cộng đồng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Nhằm tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch, bảo đảm lợi ích tối đa cho các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu thì công tác đấu thầu cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch tại tất cả các giai đoạn. Tuy nhiên, để việc công khai, minh bạch thông tin phát huy tối đa hiệu quả đối với hoạt động đấu thầu, cơ chế giám sát cần phải được quan tâm, chú trọng đúng mức.

Nhìn nhận tầm quan trọng của công tác này, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định mới về giám sát hoạt động đấu thầu, đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này. Theo đó, điểm b khoản 3 Điều 86 Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định, bên cạnh sự giám sát của người có thẩm quyền và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, hoạt động đấu thầu còn được giám sát bởi cộng đồng, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng.

Thông qua giám sát cộng đồng sẽ giúp nhận diện, phát hiện, ngăn ngừa, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm, điều chỉnh kịp thời các sai sót, biểu hiện vi phạm trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp thêm động lực để lớn mạnh

Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI TP.HCM

Luật Đấu thầu 2023 tiếp tục có nhiều nội dung đột phá để hỗ trợ DN. Cụ thể, nhà thầu là DN siêu nhỏ, DN nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ có những ưu đãi nhất định khi đấu thầu, sẽ có thị trường riêng để không phải cạnh tranh với các nhà thầu là DN lớn. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ ràng các ưu đãi với nhà thầu là DN khởi nghiệp sáng tạo. Thực tế, việc thành lập, vận hành, duy trì ban đầu với DN là hành trình rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi đó, hơn 95% DN tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nếu không có những chính ưu đãi, hỗ trợ phù hợp sẽ khó tránh khỏi tình trạng giải thể.

Ngoài những chính sách ưu đãi, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu cũng không phân biệt giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Bên cạnh đó, Luật cho phép nhà thầu chưa đủ điều kiện, năng lực tích cực liên danh, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng của hoạt động xây lắp, cung cấp hàng hóa. Do đó, nếu ban đầu non trẻ, nhà thầu có thể dự thầu với tư cách thầu phụ, thành viên liên danh. Đây là quá trình trui rèn, học hỏi, tăng cường năng lực tốt nhất cho nhà thầu để tăng sức cạnh tranh.

Tháo gỡ nút thắt lớn trong mua sắm vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế

Ông Nguyễn Tăng Hoà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Sinh

Một trong những điều DN mong đợi khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực là quy định cho phép hồ sơ mời thầu được nêu nhãn hiệu của hàng hoá, xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ trong trường hợp gói thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ phi tư vấn đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu (phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ nhà thầu khác, hãng sản xuất khác), nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu (điểm đ Khoản 1 Điều 23).

Quy định này rất quan trọng, góp phần tháo gỡ một trong những nút thắt lớn, gây nhiều vướng mắc cho hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế trong thời gian qua. Bởi trên thực tế, một số hãng sản xuất máy móc, thiết bị thường sản xuất hoá chất đi kèm, mà không thể sử dụng hoá chất thay thế khác.

Hành lang pháp lý và môi trường đấu thầu ngày càng công khai, minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả

Bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu “điện đi trước một bước”, hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải triển khai một khối lượng đầu tư xây dựng lớn. Sự ra đời của Luật Đấu thầu 2023 sẽ tạo hành lang pháp lý và môi trường cho hoạt động đấu thầu cả nước nói chung và tại EVN nói riêng ngày càng công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Kỳ vọng nhiều cơ hội mở ra cho nhà thầu nhỏ

Ông Lương Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Huy Toàn

Tôi kỳ vọng Luật Đấu thầu 2023 sẽ tạo ra “sân đấu” công khai, minh bạch hơn, từ đó tăng cơ hội cho các nhà thầu nhỏ. Cụ thể, Luật tạo điều kiện cho nhà thầu trong việc đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu, kiến nghị trong đánh giá hồ sơ dự thầu cũng như kết quả lựa chọn nhà thầu.

Luật cũng bổ sung cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với những hàng hóa, dịch vụ thân thiện môi trường... Tôi cho rằng, đây là những bước tiến quan trọng góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xanh, phát triển bền vững.

Cần tập huấn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chính sách mới

Bà Trương Thị Tố Hoa, Trưởng Nhóm công tác về pháp chế của Tiểu ban Trang thiết bị y tế và Chẩn đoán thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham)

Luật Đấu thầu 2023 được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu thiết bị y tế. Tuy nhiên, để quy trình đấu thầu minh bạch và hiệu quả, rất cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai thuận lợi. Điều này sẽ thúc đẩy một hệ thống đấu thầu hiệu quả và dễ tiếp cận hơn cho tất cả các bên liên quan.

Trong đó, cần tăng cường hoạt động tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đấu thầu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là các khung pháp lý mới cần có đánh giá tác động toàn diện cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt được quy định pháp luật và vận dụng linh hoạt vào thực tế. Mặt khác, cần thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Chuyên đề