Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: QH |
Ngày mai 30/10, Quốc hội bắt đầu 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Khác với những lần trước, lần này một loạt báo cáo của Chính phủ sẽ được trình bày, đại biểu Quốc hội không thảo luận riêng từng báo cáo mà dành toàn bộ thời gian sau đó để hỏi và đáp.
Mở đầu, đại diện Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 sẽ được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày.
Cuối cùng, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp này của trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
Sau khi hoàn tất các báo cáo, Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nội dung trên.
Không ấn định người ngồi "ghế nóng"
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm mới trong phiên chất vấn lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách "cứng" người ngồi "ghế nóng" mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời.
Thông thường, tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, Thủ tướng sẽ uỷ quyển cho một phó thủ tướng trả lời chất vấn, còn ở kỳ họp cuối năm thì đích thân Thủ tướng đăng đàn. Lần chất vấn này, do hoạt động đối ngoại, Thủ tướng không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên.
Những câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Thông tin Truyền thông sẽ được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời thay, do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mới nhậm chức ít ngày chưa nắm hết các vấn đề. Mỗi đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, người trả lời không quá 3 phút với chất vấn của một đại biểu.
Nhiều đột phá sau chất vấn
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, lĩnh vực công thương đã rà soát tổng thể, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ. Đến nay, hai nhà máy bước đầu có lãi trên tổng số 6 nhà máy từng thua lỗ, một nhà máy vận hành trở lại trên tổng số 3 nhà máy bị dừng sản xuất kinh doanh.
Ở lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục đã phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành; đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục. Bộ đang hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6.
Tại kỳ họp thứ 3, kết quả cho thấy lĩnh vực y tế đã đạt nhiều thành tựu. Cụ thể, thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ hơn, công nghệ thông tin được ứng dụng trong khám chữa bệnh, giám định và thanh toán bảo hiểm y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ của bệnh nhân, giúp việc thanh toán chi phí được chính xác, kịp thời. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học cũng góp phần quan trọng vào chẩn đoán, điều trị bệnh.
Sau hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng...
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm qua tín dụng đã tăng trưởng đều từ đầu năm, mặt bằng lãi suất ổn định đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp để thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng được triển khai, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Lĩnh vực điều tra tội phạm, thi hành án hành chính cũng có dấu hiệu tích cực khi chất lượng điều tra khám phá tội phạm được nâng lên; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt gần 80,4% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra), án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 88,8% (số liệu tính đến ngày 31/7/2018).