Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên: Việc trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ đã đặt ra cho ông Obama nhiều thách thức, bao gồm những nghi vấn kéo dài suốt nhiều năm về nơi sinh của ông. Mặc dù sự phân biệt chủng tộc vẫn còn dai dẳng ở Mỹ trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama nhưng một thế hệ những người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi đang nhìn vào đương kim tổng thống như một hình mẫu để họ có thể vươn lên và giành lấy những vị trí cao nhất trong chính quyền. (Ảnh: Getty)
Tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden: Tháng 5/2011, Tổng thống Obama đã ra lệnh tiến hành một cuộc đột kích vào hang ổ của Osama bin Laden, thủ lĩnh thành lập tổ chức khủng bố Al-Qaeda, ở Pakistan và tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng này. Tổng thống Obama cùng các quan chức cấp cao của Mỹ đã theo dõi cuộc đột kích qua màn hình tại Nhà Trắng (Ảnh: Nhà Trắng)
Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ: Năm 2009, khi lần đầu tiên nắm cơ hội bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao, Tổng thống Obama đã lựa chọn bà Sonia Sotomayor làm người Mỹ gốc Latinh đầu tiên cho vị trí quan trọng này. (Ảnh: CS Monitor)
Đạo luật Chăm sóc sức khỏe: Bất chấp những tranh cãi qua lại, một vụ kiện tại Tòa án tối cao cùng những cam kết của phe Cộng hòa nhằm bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe, khoảng 20 triệu người dân Mỹ đã được hưởng lợi ích từ chương trình chăm sóc sức khỏe trong khoảng thời gian từ năm 2010-2016 thông qua một chương trình mang tên của Tổng thống Obama là ObamaCare. (Ảnh: Dcrpmi)
Nỗ lực tăng lương tối thiểu: Tổng thống Obama đã cố gắng thúc đẩy việc tăng lương tối thiểu cho người lao động tại Mỹ, tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng đã vấp phải sự phản đối của những người không ủng hộ đề xuất này của ông tại Hạ viện, nơi có phần lớn thành viên của đảng Cộng hòa. (Ảnh: Getty)
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START): Tháng 4/2010, Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký hiệp ước START mới nhằm cắt giảm số vũ khí hạt nhân chiến lược xuống còn một nửa vào năm 2018. (Ảnh: Getty)
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Mặc dù vấp phải nhiều sự phản đối nhưng thỏa thuận hạt nhân Iran đã hạn chế việc làm giàu uranium, tạo ra một hệ thống cho việc giám sát các cơ sở nghiên cứu hạt nhân và cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu thỏa thuận này bị vi phạm. (Ảnh: AFP)
Giải cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ: Chính quyền của Tổng thống Obama đã cấp cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ, cụ thể là 2 “ông lớn” Chrysler và General Motors, các khoản vay trị giá hàng tỷ USD để vực dậy lĩnh vực này. (Ảnh: Getty)
Ủng hộ hôn nhân đồng giới: Tháng 6/2015, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cho phép các cặp đồng giới trên toàn bộ 50 bang kết hôn theo quy định trong hiến pháp nước này, đánh dấu chiến thắng lịch sử của cộng đồng những người đồng tính tại Mỹ. Tổng thống Obama đã gọi đây là một thắng lợi cho nước Mỹ. (Ảnh: Getty)
Giải Nobel Hòa bình: Năm 2009, chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, Ủy ban Nobel Na Uy đã thông báo trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Obama vì những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, trở thành một nhà hoạt động cho tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân và giúp đỡ những người Hồi giáo ở Mỹ cũng như các nước khác. (Ảnh: NYT)
Bình thường hóa quan hệ với Cuba: Tháng 3/2016, Tổng thống Obama đã có chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Cuba và gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro. Đây là chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc đảo Caribe trong suốt 88 năm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: AP)
Nỗ lực chống biến đổi khí hậu: Trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Mỹ đã tích cực thể hiện vai trò là nước đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Năm 2015, 194 nước đã ký Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris với mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát triển các sáng kiến năng lượng sạch và kiểm soát tác động của việc tăng nhiệt độ Trái Đất. (Ảnh: UNFCCC)
Phục hồi tình trạng suy thoái: Khi Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức cách đây 8 năm, nền kinh tế Mỹ đang chật vật vượt qua tình trạng tồi tệ nhất trong nền kinh tế từ sau cuộc Đại suy thoái. Từ đó tới nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm đáng kể và nền kinh tế đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. (Ảnh: US News)
Hỗ trợ thanh thiếu niên Mỹ: Tổng thống Obama là người đã sáng lập tổ chức “My Brother’s Keeper” nhằm giúp đỡ những thanh thiếu niên Mỹ thuộc nhóm da màu thiểu số phát triển các kĩ năng để đạt được thành công ở trường và trong công việc. Kể từ khi ra đời vào năm 2014, dự án này đã gây quỹ được 1,5 tỷ USD. (Ảnh: Titlei)