Hơn 2/3 trong số 40 tỷ phú Trung Quốc trong danh sách của Bloomberg có tài sản sụt giảm. |
Theo thống kê của Bloomberg, trong năm 2018, tài sản của 128 tỷ phú giàu nhất châu Á giảm tổng cộng 137 tỷ USD - lần giảm đầu tiên kể từ khi bảng xếp hạng 500 tỷ phú Bloomberg Billionaires Index được đưa ra vào năm 2012.
Căng thẳng thương mại toàn cầu và nỗi lo biến động cổ phiếu là những nguyên nhân khiến tài sản của nhiều tỷ phú châu Á sụt mạnh. Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn nhất, theo sau là của Ấn Độ và Hàn Quốc.
"Tình hình khó khăn trên thị trường chứng khoán trong năm nay cùng với những bất ổn trong căng thẳng thương mại là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp", Philip Wyatt, nhà phân tích tại Hồng Kông của UBS Group AG, nói.
Tuy nhiên, Wyatt dự báo năm tới tài sản của nhóm giàu nhất châu Á sẽ không giảm hay tụt xếp hạng đáng kể. Các điều kiện tại khu vực này đã thực sự chín muồi để sản sinh thêm nhiều tỷ phú khi công nghệ mới thu hút thêm nhiều vốn đầu tư và hỗ trợ từ chính phủ, Wyatt nhận định.
Dù vậy, nỗi hoang mang trên thị trường vẫn đang khiến tài sản của các tỷ phú châu Á "bay hơi". Hơn 2/3 trong số 40 tỷ phú Trung Quốc trong danh sách của Bloomberg có tài sản sụt giảm. Trong đó, tài sản của Wang Jianlin - ông chủ đế chế bất động sản Wanda Group - giảm mạnh nhất với 10,8 tỷ USD. Tập đoàn của ông đang phải bán tài sản để giảm nợ.
Còn người sáng lập hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc JD.com Richard Liu có tỷ lệ giảm lớn nhất khi mất gần 50% tài sản, xuống còn 4,8 tỷ USD. Hồi tháng 8, Liu bị bắt tại Mỹ với cáo buộc tấn công tình dục nhưng sau đó đã được thả mà không bị kết tội.
Trong khi đó, 23 người giàu nhất Ấn Độ mất 21 tỷ USD. Tài sản của Lakshmi Mittal, người nắm giữ hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới, giảm nhiều nhất với 5,6 tỷ USD - tương đương 29% tài sản. Theo sau là Dilip Shanghvi, người sáng lập hãng dược lớn thứ 4 thế giới Sun Pharmaceutical Industries với tài sản "bay hơi" 4,6 tỷ USD.
Các tỷ phú Hàn Quốc cũng chịu thiệt hại không ít. Tài sản của 7 người giàu nhất nước này giảm tổng cộng 17,2 tỷ USD. Hai cha con nắm giữ Samsung Electronics, Lee Kun-Hee và Jay Y Lee chiếm hơn 1/3 số giảm đó.
Tại Hồng Kông, các tỷ phú bất động sản thiệt hại nhiều nhất. Li Ka-shing, người đã thôi chức chủ tịch của CK Hutchison và CK Asset hồi tháng 3, mất 6 tỷ USD trong năm 2018. Trong khi đó, Lee Shau Kee - người giàu thứ 2 Hồng Kông, kết năm với tài sản "bay" khoảng 3,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tỷ phú giàu lên trong năm 2019. Tài sản của Lei Jun, chủ tịch hãng sản xuất di động Xiaomi Corp, tăng thêm 8,7 tỷ USD. Thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 7 đã đưa Jun vào top 100 của Bloomberg Billionaires Index. Thương vụ IPO này cũng biến 3 người đồng sáng lập Xiaomi trở thành tỷ phú.
Người giàu nhất tại Nhật Tadashi Yanai "kiếm" thêm 6,3 tỷ USD trong năm nay nhờ cổ phiếu Fast Retailing Co. - hãng bán lẻ hàng may mặc lớn nhất thế giới, tăng 30% giá trị. Tài sản của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani cũng tăng thêm 4 tỷ USD nhờ đế chế Reliance Industries Ltd. "ăn nên làm ra". Mukesh đã vượt qua người đồng sáng lập Alibaba Group Holding Ltd. - Jack Ma trở thành người giàu nhất châu Á.
Danh sách Bloomberg Billionaires Index năm nay cũng có thêm nhiều tỷ phú mới đến từ cá lĩnh vực gồm công nghệ, tiêu dùng, công nghệ sinh học và dược phẩm.
Colin Huang, người sáng lập hãng thương mại điện tử Pinduoduo Inc. là người "kiếm" nhiều thứ 2 tại châu Á trong năm 2018 khi tài sản tăng thêm 6,6 tỷ USD. Pinduoduo hiện là hãng bán lẻ lớn thứ 3 tại Trung Quốc.
Hầu hết tỷ phú mới trong danh sách đến từ Trung Quốc, ngoài ra có 5 người từ Hàn Quốc, 4 người từ Nhật Bản. Đông Nam Á có thêm 2 tỷ phú mới trong năm nay gồm ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan Group và trùm địa ốc Indonesia Donald Sihombing.
Trong năm, có ít nhất 6 tỷ phú châu Á qua đời, để lại khối tài sản trị giá tổng cộng 29 tỷ USD. Walter Kwok, cựu chủ tịch của hãng bất động sản lớn nhất Hồng Kông Sun Hung Kai Properties Ltd. - người từng sở hữu tài sản 9,1 tỷ USD, qua đời hồi tháng 10 ở tuổi 68. Hai con trai của ông được thừa hưởng số cổ phần trị giá 3 tỷ USD tại công ty.
Vichai Srivaddhanaprabha, người sáng lập King Power Group - đế chế hàng miễn thuế khổng lồ của Thái Lan, qua đời do tai nạn trực thăng hồi tháng 10. Srivaddhanaprabha cũng là chủ của câu lạc bộ bóng đá Leicester City (Anh).