Nhiều thách thức trong lập Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới, Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (QHNLQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Nhà thầu tư vấn hoàn thiện trình cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng.
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia có liên quan đến nhiều quy hoạch đang xây dựng đặt ra thách thức lớn về khả năng đồng bộ các quy hoạch. Ảnh: Toàn Thắng
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia có liên quan đến nhiều quy hoạch đang xây dựng đặt ra thách thức lớn về khả năng đồng bộ các quy hoạch. Ảnh: Toàn Thắng

Theo đánh giá của Nhà thầu tư vấn, việc lập QHNLQG gặp không ít thách thức, từ phạm vi, sự phù hợp với xu thế phát triển năng lượng thế giới, tính đồng bộ cho đến cơ chế, giải pháp thực hiện Quy hoạch.

Lần đầu tiên lập quy hoạch tổng thể về năng lượng

Liên danh Viện Năng lượng - Viện Dầu khí Việt Nam, nhà thầu trúng thầu lập QHNLQG cho biết, đến thời điểm này, 5/14 chương của Dự thảo QHNLQG đã hoàn thành và đang đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện. Phạm vi của Quy hoạch là toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Dự báo thuộc Viện Năng lượng cho biết, việc lập QHNLQG có không ít rào cản và thách thức. Trước hết, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện loại quy hoạch này nên có những khó khăn trong việc xác định phạm vi, liên kết hạ tầng năng lượng, danh mục dự án quan trọng, cơ chế, giải pháp thực hiện quy hoạch.

QHNLQG có liên quan đến nhiều quy hoạch khác đang trong giai đoạn xây dựng, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, hiện cơ sở dữ liệu năng lượng quốc gia còn chưa được xây dựng thống nhất và chưa có chuỗi số liệu quá khứ đủ dài. “Việc này gây khó khăn cho công tác dự báo nhu cầu năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và liên kết hạ tầng năng lượng”, ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, những năm tới, xu thế phát triển năng lượng trên thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, thực thi các chính sách mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Thêm nữa, xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, nhất là các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hay thói quen sử dụng năng lượng... đã thay đổi nhiều. Ngoài ra, quy hoạch này được lập trên cơ sở tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW là phải đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải có giá hợp lý, nếu không sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chưa rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường

Liên quan đến vấn đề chính sách giá năng lượng, tại Hội thảo lần 1 về QHNLQG diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, việc thực hiện quy hoạch tại phân ngành dầu khí đến năm 2020 có gặp khó khăn, tồn tại liên quan đến câu chuyện này. Hiện chính sách giá năng lượng thường chú trọng tới việc thỏa mãn phía cầu và giải quyết tác động xã hội hơn là khuyến khích phát triển nguồn cung, nên chưa được vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ và hiện đại. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển các dự án điện chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia”, ông Đức nhìn nhận.

Bên cạnh câu chuyện giá năng lượng, trong việc thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển phân ngành dầu khí đến năm 2020, nhà đầu tư còn gặp một số khó khăn khác như: quy định của pháp luật ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn chưa thực sự hoàn thiện; tính hệ thống, thống nhất đôi chỗ còn chưa cao; một số quy định chưa đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế; thủ tục chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư năng lượng còn nhiều vướng mắc…

Đồng tình với đánh giá của Viện Dầu khí về điểm hạn chế trong chính sách giá năng lượng hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng cũng chỉ ra, ở phân ngành điện lực và năng lượng tái tạo, giá điện của Việt Nam còn chưa thực sự hấp dẫn đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong huy động tài chính đối với dự án điện.

TS. Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia đến từ Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế khuyến nghị, trong QHNLQG có mối quan hệ căn bản cần giải quyết là quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch chưa cho thấy yếu tố thị trường, hàm lượng kinh tế thị trường chưa cao.

Chuyên đề