Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư bằng vốn đầu tư công, tốc độ thiết kế 350 km/h với tổng mức đầu tư 67,34 tỷ USD. Ảnh: NC st |
Tiền đâu để đầu tư?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, từ năm 2006 đến nay, Bộ GTVT đã triển khai hàng loạt nghiên cứu Dự án với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn quốc tế, trải qua nhiều lần lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành. Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết kế 350 km/h với tổng mức đầu tư cập nhật là 67,34 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, khi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án, điều mà nhiều người dân băn khoăn, nghi ngại là tiền đâu để đầu tư? Đó cũng là điều dễ hiểu đối với một siêu dự án hơn 67 tỷ USD. Theo ông Phúc, hiện nay thế và lực của nước ta đã lớn mạnh, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công đang ở mức thấp, khoảng 37% GDP. Đến thời điểm triển khai xây dựng Dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế nước ta ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực đầu tư cho Dự án không còn là trở ngại. Hơn nữa, “không phải cùng một lúc chúng ta huy động hơn 67 tỷ USD mà sẽ chia đều cho từng năm, từng giai đoạn, trung bình mỗi năm chỉ huy động hơn 5 tỷ USD, nằm trong khả năng cho phép so với tiềm lực kinh tế của Việt Nam”, ông Phúc khẳng định.
Áp lực về giải phóng mặt bằng
Bộ GTVT cho biết, dự kiến, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành với tổng chiều dài khoảng 1.541 km, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, được bố trí phù hợp với hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương, bảo đảm kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng. Đến nay, vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, các ga sẽ được đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị nên công tác giải phóng mặt bằng là một thách thức lớn. Do đó, cần sớm có giải pháp thực hiện để chủ động công tác giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, chủ động bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng, sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, cần xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phải đi trước, giao các địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, ngành nào liên quan thì trực tiếp di dời hạ tầng kỹ thuật của ngành đó thì Dự án mới có thể sớm khởi công.
Dự kiến, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành với tổng chiều dài khoảng 1.541 km, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, được bố trí phù hợp với hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương, bảo đảm kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng. Đến nay, vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch địa phương.
Thách thức trong tiếp nhận vận hành
Trao đổi với báo chí ngày 1/10/2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thừa nhận, việc triển khai Dự án trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức về vận hành và tiếp nhận công nghệ vận hành đoàn tàu vì chúng ta chưa có kinh nghiệm trong triển khai xây dựng công trình tương tự, thiếu nhà thầu có kinh nghiệm thi công đường sắt tốc độ cao, chưa có nguồn nhân lực có chất lượng, đủ trình độ và năng lực để quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, với niềm tin vào nội lực và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực sắp tới, chúng ta sẽ làm chủ được công nghệ để vận hành đoàn tàu. “Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, không phụ thuộc vào khoản vay và điều kiện vay vốn của nước ngoài nên sẽ không chịu ràng buộc về mặt công nghệ. Do đó, khi đấu thầu lựa chọn nhà thầu, chúng ta có thể yêu cầu trong hồ sơ mời thầu là phải đào tạo, chuyển giao công nghệ sử dụng đoàn tàu cho Việt Nam, phải sử dụng tối đa nhà thầu trong nước và hàng hóa trong nước sản xuất được”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Vũ Hồng Phương cho biết, để chủ động trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho Dự án, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã lên phương án đào tạo gồm: 13.880 người phục vụ vận hành khai thác, khoảng 700 nhân lực quản lý, 1.200 kỹ sư tư vấn, 180.000 người phục vụ công tác xây dựng. Các nhân sự được đào tạo theo 3 loại hình: đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài và kết hợp đào tạo trong và ngoài nước đối với 5 chủ thể liên quan gồm: cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá, triển khai thành công một siêu dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một thách thức lớn, nhưng không phải là không làm được. Về mặt tài chính, Dự án khó hoàn vốn đầu tư, nhưng lại có tác động lan tỏa trên nhiều phương diện, sẽ là “cú hích” cho phát triển nền kinh tế, mở ra không gian phát triển mới cho rất nhiều ngành nghề, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.