Ảnh minh họa: Internet |
Khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Một kết quả nghiên cứu về các rào cản trong phát triển sử dụng đất nông nghiệp Việt Nam tại 4 địa phương (Hà Nam, Hòa Bình, Lâm Đồng, An Giang) đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún và phân tán, quá trình tích tụ và tập trung đất đai diễn ra khá chậm. Do đó, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn, số DN đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn. Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện cả nước có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước; nhưng số DN trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ khoảng 7.600 DN.
Để DN thuê đất sản xuất nông nghiệp, bà Nhàn cho biết, hiện có 3 hình thức cho thuê chính, đó là: DN thuê đất trực tiếp của dân; DN thuê đất của Nhà nước và Nhà nước thuê đất của dân và cho DN thuê lại. Tuy nhiên, cả 3 hình thức này đều còn nhiều bất cập do chi phí giao dịch cao, rủi ro lớn do thiếu quy định pháp lý…
Trước những rào cản này, một số địa phương như: Hà Nam, An Giang… đã thí điểm cơ chế tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đơn cử như, chính quyền cấp huyện, xã đứng ra thuê đất của dân sau đó tỉnh ký hợp đồng cho DN thuê lại đúng thời gian thuê đất và giá đất của dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông dân vẫn được giữ. Cùng với đó, ngân sách tỉnh ứng trả tiền thuê đấy cho các hộ dân trong 20 năm, sau đó DN trả tiền thuê đất. Dù vậy, theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, việc thu hút DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, DN ký hợp đồng thuê đất với tỉnh nhưng vẫn băn khoăn về tính pháp lý của hợp đồng.
Gỡ khó theo hướng nào?
Vậy làm thế nào để DN yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong khi các cách thức tích tụ đất đai chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu, chuyên gia đặt ra tại Hội thảo.
Từ kinh nghiệm thành công của Hà Nam trong việc thí điểm cơ chế tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, ông Ngô Mạnh Ngọc cho rằng, việc tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần phải có quyết tâm chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm. Song, để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 là rất cần thiết.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm phê chuẩn đề án thí điểm tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Nam và Thái Bình; sửa đổi các quy định pháp luật liên quan về tài sản đối với các dự án nông nghiệp để các DN và các hợp tác xã, nhóm hộ dân đầu tư vào lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính và phân cấp cho địa phương thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất, cần điều chỉnh pháp luật về đất đai theo hướng bỏ hạn điền, giới hạn đối tượng giao dịch; điều chỉnh quy định về định giá đất… để thị trường đất nông nghiệp hoạt động. Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang lại cho rằng, Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp cũng đã có hướng dẫn cho vấn đề này. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh thực thi nhằm thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.