Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm

(BĐT) - Tại cuộc họp giao ban tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì vừa diễn ra, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công được đại diện Bộ KH&ĐT nhiều lần đưa ra trao đổi, đề nghị các địa phương nêu vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để có thể đẩy nhanh giải ngân và thực hiện hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn này.
Nhiều vướng mắc trong quy định pháp luật đang làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Lan Hương
Nhiều vướng mắc trong quy định pháp luật đang làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Lan Hương

Nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ninh cho biết, 9 tháng giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh đạt 50% kế hoạch vốn đã giao. Tiến độ giải ngân như vậy theo ông Minh là còn chậm và nguyên nhân lớn nhất là do thời tiết không thuận lợi. “Từ đầu năm đến nay mưa nhiều, như quý III phải có mấy chục ngày mưa, nhiều dự án, đặc biệt là dự án hạ tầng không thực hiện được”, ông Nguyễn Văn Minh cho hay.

Theo ông Minh, các công trình vốn ngân sách trung ương trên địa bàn Tỉnh chủ yếu là công trình chuyển tiếp, không có vướng mắc gì về thủ tục vì các thủ tục đã hoàn thành hết trong những năm trước. Quý IV khi mưa giảm, thủ tục các dự án cũng đã hoàn thành hết thì giải ngân sẽ tốt hơn. Dự án nào không giải ngân được theo tỷ lệ đã quy định, Quảng Ninh kiên quyết cắt vốn năm 2018 để tập trung giải ngân hết.

Đối với các công trình trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Vũ Đức Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, giải ngân chậm vốn đầu tư công do nhiều nguyên nhân như vướng thủ tục, mưa nhiều và đặc biệt có yếu tố đột biến trong năm nay là giá cát xây dựng tăng mạnh, hợp đồng ký trọn gói, không được điều chỉnh giá nên nhà thầu gặp khó khăn. Các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng rất lớn về tiến độ từ việc tăng giá cát này. 

Sửa đồng bộ quy định pháp luật liên quan

Theo Bộ KH&ĐT cũng như nhiều bộ, ngành xác định, vướng mắc trong thủ tục liên quan đến nhiều quy định của pháp luật cũng làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Bộ KH&ĐT đang tích cực hoàn thiện việc rà soát, sửa đổi những quy định liên quan đến Luật Đầu tư công và nghị định hướng dẫn để góp phần tháo gỡ vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến Luật Đầu tư công, một trong những quy định được nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi là việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công sang năm tiếp theo, vì có thể phát sinh nhiều thủ tục phức tạp và chủ đầu tư có tâm lý, tư tưởng chủ quan trong việc thực hiện kế hoạch năm hoặc cũng có thể cố tình trì hoãn công tác nghiệm thu, giải ngân cho nhà thầu. Rất nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ được thực hiện và thanh toán theo niên độ của năm tài chính, trường hợp đặc biệt cần thiết sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài vướng mắc trong một số quy định của Luật Đầu tư công, nhiều đơn vị cho biết, quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư như Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn; Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định hướng dẫn; Luật Tài nguyên nước và các nghị định; Luật Đất đai; Luật Đấu thầu… cũng có vướng mắc, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến giải ngân vốn.

Theo Bộ NN&PTNT, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và môi trường thẩm định là không quá 45 ngày, do các cơ quan khác thẩm định không quá 30 ngày là quá dài, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ trình duyệt dự án.

Ngoài ra, thời gian cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thời gian thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…, theo Bộ NN&PTNT, hiện cũng quá dài. Bộ này đề nghị cần điều chỉnh giảm các mốc thời gian trên để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về chấm dứt hợp đồng xây dựng khi nhà thầu vi phạm tiến độ. Hiện nay tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng chưa quy định rõ về chấm dứt hợp đồng xây dựng, chế tài xử lý đối với nhà thầu để đảm bảo chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng khi nhà thầu vi phạm tiến độ, chây ì không chịu triển khai hoặc triển khai chậm. Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung rõ thêm là chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau: nhà thầu từ chối thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc 56 ngày liên tục không thực hiện hợp đồng, dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp được phép của chủ đầu tư. Đồng thời, cần quy định cụ thể cả chế tài xử lý đối với nhà thầu.

Các quy định về hợp đồng với nhà thầu trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Thương mại cũng chưa thống nhất dẫn đến khó khăn trong thực hiện hợp đồng.

Chuyên đề