Nhiều lo ngại về gói cấp bù lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết đang tính toán gói cấp bù lãi suất khoảng 20 nghìn tỷ đồng thực hiện trong 2 năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về chính sách này, đáng chú ý là đề xuất xem xét vai trò của các ngân hàng thương mại trong quá trình thực thi.
Một số ý kiến cho rằng không nên giao ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân cấp bù lãi suất. Ảnh: Phú An
Một số ý kiến cho rằng không nên giao ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân cấp bù lãi suất. Ảnh: Phú An

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nên tránh đưa ra gói tài trợ lãi suất như năm 2009 bởi hiệu quả không được như kỳ vọng và các ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế vĩ mô như lạm phát rất cao, dòng vốn đầu cơ vào các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thực hiện thì phải kiên quyết tuân thủ một số nguyên tắc. Trước hết là không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc để tránh làm méo mó lãi suất trên thị trường, dẫn đến tình trạng có khoản cho vay đắt lại có khoản cho vay rẻ, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan xem xét giải ngân.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn Economica Việt Nam, tổng ngân sách cấp bù khoảng 20 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất cấp bù 3 - 4% sẽ đẩy khoảng 600 nghìn tỷ đồng vốn giá rẻ ra nền kinh tế. Gói hỗ trợ này có sức hấp dẫn rất lớn với đối tượng thụ hưởng hạn chế nên có thể dẫn đến một cuộc cạnh tranh quyết liệt để tiếp cận bằng được gói hỗ trợ này. Khách hàng hiện hữu sẽ tìm cách để vay khoản vay mới và đảo nợ. Khách hàng vay mới có thể tìm mọi cách tiếp cận được gói cho vay cấp bù lãi suất để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có thể chỉ để tìm cách hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa lãi suất được cấp bù và lãi suất cho vay thương mại không được cấp bù trên thị trường.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng xin - cho, hoặc nguồn vốn đến với những đối tượng tìm cách trục lợi từ chính sách để đầu cơ vào bất động sản hay chứng khoán thay vì vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, không thể phủ nhận rủi ro là nguồn cấp bù lãi suất chưa chắc đến với những doanh nghiệp cần vốn nhất mà đến với những doanh nghiệp biết cách tiếp cận nhất.

Do đó, theo ông Bình, gói cấp bù lãi suất nếu triển khai chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn với quy mô vừa phải, có mục tiêu rõ ràng về đối tượng hưởng lợi. Tính minh bạch trong quá trình giải ngân, kết quả giải ngân, thu nợ cần được đặc biệt chú trọng. Hơn nữa, khi nền kinh tế dần hồi phục, các biện pháp can thiệp như vậy cần được sớm rút lại để thị trường tài chính, tiền tệ hoạt động theo đúng các nguyên tắc thị trường.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), chủ biên nghiên cứu “Ảnh hưởng của chính sách hỗ trợ lãi suất năm 2009 đối với hoạt động của các doanh nghiệp”, cho rằng: “Gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 đã giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong nửa sau năm 2009, có những dấu hiệu cho thấy phần vốn đưa vào sản xuất tăng chậm lại, trong khi vốn cho hoạt động đầu cơ có xu hướng tăng nhanh”.

Theo ông Minh, với cách thức thực hiện của năm 2009, để có thể giải ngân được các khoản vay này, các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh huy động một lượng vốn lớn, từ đó dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng cao. Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này chỉ nhận được một phần lãi suất thấp, phần còn lại vẫn phải vay với lãi cao, trong khi chênh lệch lãi suất trên thị trường ở mức lớn dẫn đến tình trạng dùng vốn giá rẻ để đầu cơ với kỳ vọng sinh lợi nhanh. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bất ổn vĩ mô về sau.

“Cấp vốn đến đúng địa chỉ là nguyên lý thực hiện cấp bù lãi suất, nhưng thực tế năm 2009 cho thấy rất khó đạt được. Điều này vẫn đúng ở giai đoạn hiện nay. Nếu ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân cấp bù lãi suất thì việc xét duyệt hồ sơ khó tránh khỏi rủi ro đạo đức. Nếu Bộ Tài chính hoặc một cơ quan nhà nước thực hiện, có thể dẫn đến tình trạng quan liêu, kéo dài xét duyệt. Bởi lý do đó, hầu như không có quốc gia nào thực hiện chính sách cấp bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Thay vào đó, họ chủ yếu giảm thuế với mức độ và thời hạn theo nhóm đối tượng chịu tác động, trợ cấp an sinh xã hội cho người dân. Nếu dành thêm 20 nghìn tỷ đồng để thực hiện các gói tài khóa như vậy thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

Chuyên đề