Nhiều khó khăn cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đơn giá định mức, giải phóng mặt bằng, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà thầu… là những khó khăn, vướng mắc nhà thầu xây dựng đang gặp phải. Trong khi kinh tế đất nước dần tăng trưởng tích cực, những vướng mắc trên lại cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp xây dựng.
Nhiều ý kiến về khó khăn, vướng mắc của nhà thầu xây dựng được nêu ra tại chương trình gặp gỡ "Cà phê nhà thầu xây dựng" lần thứ 3 năm 2024
Nhiều ý kiến về khó khăn, vướng mắc của nhà thầu xây dựng được nêu ra tại chương trình gặp gỡ "Cà phê nhà thầu xây dựng" lần thứ 3 năm 2024

Qua gần 8 tháng của năm 2024, nhiều chỉ báo kinh tế đất nước có xu thế tích cực, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6,5 - 7% có khả năng đạt được. Song nhìn vào bức tranh doanh nghiệp, sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân đang có sự giảm sút. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 119.600 doanh nghiệp, nhưng có hơn 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Riêng về doanh nghiệp xây dựng, phát biểu tại buổi gặp gỡ “Cà phê nhà thầu xây dựng” tổ chức ngày 24/8/2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, theo thống kê sơ bộ của VACC, khoảng 70% doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đang “nằm im chờ thời”; cắt giảm nhân sự, tìm kiếm công việc để duy trì bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả việc cạnh tranh giảm giá “khốc liệt” để có công việc, dòng tiền.

Trong khi đó, đối với các nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ như về đơn giá định mức; việc thanh toán, hạch toán, xác định giá vật liệu tại mỏ khai thác có sự khác nhau giữa các địa phương, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn…

Ông Phan Phú, Chủ tịch Tổng công ty 319 thông tin, khi triển khai các dự án cao tốc, nhà thầu được các địa phương giao mỏ để khai thác cát, đất đắp cho công trình. Các địa phương giao cho nhà thầu tự thỏa thuận đền bù GPMB với những hộ dân nằm trong vùng mỏ, nhưng giá cả thỏa thuận lại không giống nhau, nhiều chỗ gây khó cho công tác GPMB.

Thực tế triển khai cho thấy, không ít hộ dân có diện tích đất nằm trong khu vực mỏ nhưng không nằm trong diện tích được thu hồi để phục vụ cho công tác khai thác mỏ có tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ủng hộ trong công tác GPMB. Tuy nhiên, có hộ dân đòi mức đền bù gấp cả chục lần giá thỏa thuận mà nhà thầu vẫn phải chấp nhận vì hiện không có quy định cụ thể trong việc thu hồi đất đối với những trường hợp này, việc áp dụng “cưỡng chế” để thu hồi cũng không thực hiện được.

Ngoài ra, theo ông Phú, các thông báo giá và chỉ số giá được sở xây dựng địa phương công bố cũng không sát thực tế. Các thông báo và chỉ số giá xây dựng này được liên sở xây dựng - tài chính thu thập, khảo sát và công bố làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng... Trên thực tế, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cung cấp cho cơ quan chức năng một báo giá, nhưng thực tế lại bán cho doanh nghiệp xây dựng với một mức giá khác, nhất là những mặt hàng liên quan tới vị trí khai thác tại từng địa phương như đất, đá cấp phối... Điều này dẫn đến tổng mức đầu tư và thực tế chi phí của nhà thầu có sự chênh lệch mà nhà thầu không biết sẽ được thanh toán ra sao.

Tại buổi gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã trao đổi, phản ánh vấn đề nổi cộm hiện nay là thực trạng cạnh tranh, giảm giá sâu giữa các nhà thầu. Đại diện Tổng công ty 319 cho biết, ngày 3/8 vừa qua, Tổng công ty có tham gia một gói thầu san lấp hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Gói thầu có giá 110 tỷ đồng, có nhà thầu chào thầu với giá 58 tỷ đồng, giảm tới 48% giá gói thầu…

Một số doanh nghiệp lo lắng, việc giảm giá sâu để trúng thầu ở một vài công trình đầu rất dễ dẫn đến dấn sâu vào vòng xoáy tiếp tục giảm giá, lấy công trình trước nuôi công trình sau, dần dần thâm dụng vốn… có thể dẫn đến suy kiệt tài chính, phá sản.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, Hiệp hội sẽ tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp thành viên ngay trong tháng 8, phân loại từng nhóm vấn đề kiến nghị để có văn bản kiến nghị cụ thể tới cơ quan chức năng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành xây dựng.

Chuyên đề