Nhiều hạn chế, thách thức trong hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” ngày 28/3, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh chỉ ra vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”

Toàn cảnh Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”

Theo bà Minh, hơn 35 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh và làm giàu chính đáng. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008; từ nước nhập siêu đã trở thành nước xuất siêu...

“Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới đến giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề sở hữu và quyền tài sản, phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai, cải cách DNNN và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái”, bà Minh cho biết.

Về vấn đề này, kết quả nghiên cứu của CIEM chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu, cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ. Các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt thị trường đất đai…

Đại diện Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, còn nhiều rào cản phát triển kinh tế thị trường như: vai của Nhà nước chưa rõ ràng; tình trạng lợi ích ngành và sự chồng chéo trong quản lý giữa các văn bản pháp luật…

Vì vậy, kết quả nghiên cứu cũng như các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn, có trách nhiệm xã hội và môi trường.

Với mong muốn đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, góp phần thực hiện các khát vọng đến năm 2030 và 2045, được sự hỗ trợ của Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thực hiện tại Việt Nam, CIEM đã triển khai thực hiện nghiên cứu trên.

Chuyên đề