Nhiều “điểm nghẽn” trong xử lý tham nhũng

(BĐT) - Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức còn nặng về hình thức, trong khi không ít vụ điều tra tham nhũng bị “dậm chân tại chỗ”, thậm chí các quan điểm đưa ra trong điều tra trái ngược lẫn nhau, đang là thách thức lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng.
Hiệu quả của phòng, chống tham nhũng từ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là rất thấp. Ảnh: DAD
Hiệu quả của phòng, chống tham nhũng từ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là rất thấp. Ảnh: DAD

Kê khai nặng hình thức

Theo Thanh tra Chính phủ, với gần 4.900 trường hợp được xác minh trong 10 năm thực hiện phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong cả nước, nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, chỉ có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số này, những người trực tiếp làm công việc PCTN ở các địa phương đã tỏ ra quan ngại về tính hiệu quả của PCTN từ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng như những “điểm nghẽn” cản trở quá trình điều tra PCTN.

Bà Thạch Thị Sa Thy, Phó Trưởng ban Ban thường trực Ban Nội chính thuộc Tỉnh ủy Trà Vinh, cho biết: Ở Trà Vinh có trên 6.700 bản kê khai, nhưng khi các cơ quan của Tỉnh ngồi lại để đánh giá việc kê khai này đã giúp được gì trong hoạt động PCTN? Với toàn bộ số bản kê khai trên, các cơ quan thanh, kiểm tra không thể làm được gì. Không thể làm rõ để biết việc kê khai đúng hay sai, bởi vì không có cơ chế quy định rõ việc kiểm soát tài sản đó.

Còn ông Nguyễn Văn Ngài, Phó Trưởng ban Ban Nội chính thuộc Tỉnh ủy Long An thì bức xúc: “Kê khai rồi đút hộc bàn, không ai xác minh. Kê khai là đòi hỏi phải có trách nhiệm và lương tâm. Tôi đề nghị nên bỏ việc kê khai công khai tại cuộc họp vì nó không hiệu quả, mà nên niêm yết tại nơi làm việc, phòng họp của các cơ quan để còn so sánh năm nay so với năm trước để biết tài sản biến động thế nào”.

Ông Ngài cho rằng, nhu cầu bức thiết là phải có một cơ quan đủ mạnh, đủ quyền lực để PCTN thực chất. Thực tế như tại Long An, từ khi Ban Nội chính được thành lập thì khoản tiền thưởng cho công dân báo tin PCTN mới chỉ có 2 triệu đồng, trong khi đó Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về cơ chế báo cáo vụ việc, vụ án đang ràng buộc một số trường hợp có dấu hiệu tham nhũng khi công chức lợi dụng kê khai để hợp thức hóa tài sản không minh bạch.

Khi nhìn vào kết quả xử lý kỷ luật người kê khai tài sản không trực thực, nhiều người đã tỏ ra quan ngại về tính hiệu quả của PCTN
Về vấn đề quà tặng, vị lãnh đạo Ban Nội chính thuộc Tỉnh ủy Long An cho rằng: Cán bộ không nên nhận quà tặng dưới bất cứ hình thức nào. Bởi vì có nhiều cách tặng trá hình, có thể tặng quan chức một cây kiểng có giá trị đến 1 tỷ đồng hoặc bộ gốm sứ hay bộ gỗ quý có giá trị hàng chục ngàn USD. Vì vậy, khi đã nhận quà là phải xử lý. Hay trong việc xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, nếu cứ chờ tố cáo, dù thấy biểu hiện bất minh nhưng không ai dám tố cáo, thì cơ quan kiểm tra lấy căn cứ gì để xác minh? Ban Nội chính rất muốn đi xác minh nhưng Luật PCTN không mở thì khó làm!

Phó Trưởng ban Ban Nội chính thuộc Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Bùi Văn Quang thì cho rằng, đối với việc đối tượng không giải trình về tài sản phát sinh đúng quy định thì cần có quy định chuyển cơ quan điều tra để làm rõ nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Quan điểm còn trái nhau

Theo bà Thạch Thị Sa Thy, PCTN ở các địa phương gặp nhiều khó khăn khi phụ thuộc vào chỉ đạo của địa phương, còn các cơ quan thực thi pháp luật có nhiều quan điểm trái nhau, như giữa công an với phía viện kiểm sát, cuối cùng không xử được vụ tham nhũng nào.

Bà Thạch Thị Sa Thy cho biết, năm 2015, có một công trình xây dựng ở Trà Vinh mà Ban Nội chính của Tỉnh ủy nhận định là có biểu hiện tham nhũng, nhưng khi chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra thì họ bảo rằng công trình chưa nghiệm thu nên chưa phải là tham nhũng, kể cả đối tượng đã nhận tiền rồi nhưng khi thanh tra phát hiện thì tiền được chuyển trả lại, như vậy coi như không tham nhũng(?!).

Còn ông Nguyễn Văn Ngài thì cho rằng, vẫn thiếu sự gắn kết giữa các cơ quan trong điều kiện pháp luật chưa làm rõ được vai trò của Ban Nội chính, Thanh tra,… trong PCTN tại địa phương.

Trên thực tế, theo ông Nguyễn Văn Ngài, Ban Nội chính thuộc Tỉnh ủy Long An đã chuyển qua nhiều vụ việc, vụ án có biểu hiện tham nhũng cho cơ quan điều tra, nhưng kết quả lại “dậm chân tại chỗ” khá nhiều. Có nhiều vụ việc khi xin ý kiến cấp trên thì phải để lại. Còn nhiều vụ việc khi chuyển sang cơ quan điều tra nhưng chờ lâu thì họ nói đang đi xác minh, làm rõ, đang trong giai đoạn điều tra chưa thể trả lời được.

Chuyên đề