Diễn biến chỉ số VN-Index hôm nay. |
VN-Index chốt phiên chiều đã giảm 1,49 điểm tương đương 0,11% so với tham chiếu. Mức giảm này khá nhẹ, nhưng cuối phiên sáng chỉ số vẫn còn tăng 5,74 điểm. Không chỉ chỉ số đỏ, độ rộng cũng co hẹp lại nghiêm trọng.
VN30-Index cuối phiên cũng không duy trì được tham chiếu, đóng cửa để mất 0,97 điểm tương đương 0,06%. Cuối phiên sáng chỉ số này tăng 0,39% so với tham chiếu. Độ rộng của VN30 thay đổi nhiều, chỉ còn 11 mã tăng/15 mã giảm.
Các blue-chips đã suy yếu trong buổi chiều. Trong 4 trụ mạnh nhất phiên sáng, VCB đóng cửa vẫn tăng bằng phiên sáng, trên tham chiếu 2,11%. Tuy vậy cổ phiếu này cũng chịu sức ép lớn, giá trượt liên tục trong phiên chiều tới khoảng 2h20 mức tăng chỉ còn 1,49% so với tham chiếu. Chỉ ít phút cuối phiên và nhất là đợt đóng cửa giá bật trở lại.
MSN là trụ mạnh hơn phiên sáng, nhưng đóng cửa cũng tăng không đáng bao nhiêu. Chốt phiên sáng cổ phiếu này đang tăng 2,58% và đóng cửa tăng 2,67%. Diễn biến chiều nay MSN cũng có thể xem là xuất hiện một đợt xả, vì khoảng 30 phút đầu phiên chiều giá tăng rất mạnh lên tận 112.500 đồng, trên tham chiếu 3,69%. Toàn bộ thời gian còn lại MSN trượt dốc, dù vẫn duy trì mức tăng cao.
VIC và VHM suy yếu nhiều. VIC ngay ít phút đầu phiên chiều đã bất ngờ xuất hiện khối lượng xả lớn. Cổ phiếu này càng về cuối càng yếu đi và chốt phiên chỉ tăng được 0,85%, trong khi cuối phiên sáng đang rất tích cực với mức tăng 1,78%. VHM thảm hơn nữa, giá lao dốc quá mạnh đến mức xuyên thủng cả tham chiếu. Kết phiên cổ phiếu này giảm 0,51%, dù cuối phiên sáng tăng 1,18%.
Các cổ phiếu trụ yếu đi có thể là lý do khiến VN-Index trượt giảm buổi chiều. Thế nhưng không hẳn hoàn toàn do các trụ. Độ rộng sàn HoSE co hẹp rất đáng chú ý. Cuối phiên sáng sàn này vẫn đang có 173 mã tăng/203 mã giảm, kết phiên còn 139 mã tăng/233 mã giảm. Rổ Midcap giảm 0,47% nhưng số mã giảm gấp đôi số mã tăng. Smallcap giảm 0,34% và số giảm gấp 1,8 lần số tăng.
Hiện tượng xả hàng phiên chiều tạo áp lực lên giá rõ nhất là trong nhóm blue-chips. Tuy độ rộng rổ này vẫn ghi nhận nhiều mã tăng, nhưng tất cả đều trượt giảm với mức độ khác nhau. Nhiều cổ phiếu ngân hàng bị ép cực mạnh với thanh khoản rất cao.
CTG là cổ phiếu thanh khoản nhất phiên chiều và cao nhất cả phiên. Riêng buổi chiều CTG khớp thêm 18,45 triệu cổ tương đương giá trị 976 tỷ đồng. Tuy nhiên CTG lao dốc rất sâu, đóng cửa giảm 2,23% so với tham chiếu. Như vậy cổ phiếu này đóng cửa so với giá đỉnh đầu phiên giảm tới 3,3% giá trị. Tổng giao dịch của CTG cả phiên lên tới gần 31,37 triệu cổ phiếu, trị giá 1.670 tỷ đồng.
Đây là khối lượng giao dịch cao nhất trong 35 phiên của CTG, nhưng nếu tính theo giá trị thì là kỷ lục, vì hôm 13/5 giá thấp hơn tới 13,3%. CTG bị xả sau khi hai phiên đầu tuần giá chạm đỉnh lịch sử và không vượt qua được.
MBB cũng là cổ phiếu ngân hàng thanh khoản rất cao và giá biến động giống CTG. Chốt phiên sáng MBB còn tăng 0,58% nhưng đóng cửa giảm 0,23%. Nhịp giảm buổi chiều khiến biến động hôm nay của MBB rất xấu, khi so với đỉnh đầu phiên, giá bốc hơi gần 2,5% giá trị.
Những cổ phiếu ngân hàng khác đảo chiều với thanh khoản cao và giảm sâu so với giá đỉnh đầu phiên là HDB, STB, TCB, TPB. Có những mã khác cũng bị ép xuống đáng kể, như VRE tụt so với đỉnh 3,2% dù chốt phiên vẫn trên tham chiếu 0,16%.
Một điều khá bất ngờ là thanh khoản chiều nay trên sàn HoSE không nhiều. Mức khớp sàn này chỉ là xấp xỉ 7.800 tỷ đồng, còn thấp hơn chiều qua gần 5% và bằng 74% phiên sáng. Tổng thể sàn HoSE hôm nay giảm thanh khoản khoảng 9% tính theo giá trị, chỉ đạt 17.735 tỷ đồng. TÍnh chung cả hai sàn, mức khớp lệnh cũng giảm 11,2%, đạt 20.032 tỷ đồng.