Ông Hà Văn Thắm trong phiên phúc thẩm ngày 18/4. |
Ngày 19/4, phiên phúc thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần thẩm vấn hành vi cố ý làm trái trong việc chi lãi suất ngoài hợp đồng. Chủ tọa, thẩm phán, VKS, luật sư cùng xét hỏi lần lượt mỗi bị cáo rồi mới chuyển sang người khác.
Theo kết luận của cấp sơ thẩm, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cựu chủ tịch Hà Văn Thắm các lãnh đạo hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank tích cực thực hiện việc chi lãi ngoài. Trong giai đoạn 2010-2014, ngân hàng chi trái quy định hơn 1.500 tỷ đồng gây thiệt hại, làm ảnh hưởng xấu tới chính sách an ninh tiền tệ.
45 bị cáo mà đứng đầu là cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đã bị toà sơ thẩm tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) với các mức án từ 24 tháng cải tạo không giam giữ tới 18 năm tù giam. 20 bị cáo trong số này kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự, giảm án hoặc hưởng án treo.
Tuy nhiên tại phiên phúc thẩm, nhiều giám đốc chi nhánh, lãnh đạo hội sở khai về hoàn cảnh bắt buộc, điều kiện bất khả kháng của mình khi phạm tội. Chủ tọa phiên tòa trong ngày 19/4 tiếp nhận nhiều thông tin và đề nghị VKS, luật sư ghi nhớ để tranh luận để HĐXX xem xét.
Trả lời thẩm vấn sáng nay, cựu giám đốc khối khách hàng cá nhân Oceanbank Đỗ Đại Khôi Trang cho biết được bổ nhiệm chức vụ từ năm 2012. Bị cáo này khai với vị trí này chỉ được nhận chỉ tiêu kinh doanh từ ban điều hành, phân công các đơn vị, hỗ trợ kinh doanh cho các đơn vị, phối hợp khối maketing, phối hợp khối nhân sự tuyển dụng. Khối của bà Trang do tổng giám đốc Oceanbank khi đó Trần Thanh Quang chỉ đạo. Bà Trang khẳng định không biết, không liên quan gì tới 184 tỷ đồng mà cấp sơ thẩm quy trách nhiệm cho bà đã chi lãi suất ngoài hợp đồng.
Cầm trên tay bản án sơ thẩm, đứng trước bục khai báo, bà Trang nói to, rõ, bình tĩnh. Theo bà Trang, việc chi ngoài lãi suất được chỉ đạo chung toàn ngân hàng, bị cáo chỉ tiếp nhận công việc khối bán lẻ (tiếp nhận tháng 8/2012), chỉ phụ trách khối khách hàng điện tử mở thẻ ATM, thẻ tín dụng.
VKS ngay tiếp đó hỏi thẳng: "Bị cáo ký khoản chi 184 tỷ không?". Sau câu lời "chỉ ký vào mặt sau của tờ xác nhận để xác thực thông tin khách hàng" và không biết rằng đó và việc chi lãi ngoài của bà Trang, công tố viên cho hay "không phải việc của mình mà nhảy vào ký thì tội còn nặng hơn".
Bị cáo: Hai năm bị cấm rời nơi cư trú cũng như tù nhân không chính thức
Không nhận, không chỉ đạo, không chi lãi ngoài là tinh thần chung trong lời khai của hơn chục cựu giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank trên cả nước trước HĐXX phúc thẩm. Các bị cáo còn cho rằng, hiện nay tội Cố ý làm trái đã không còn, hành vi phạm tội của họ không còn nguy hiểm cho xã hội nên đều xin được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Cựu giám đốc phòng giao dịch Oceanbank Long Biên Trịnh Xuân Hà cho hay bị khởi tố từ tháng 10/2016, cho đến nay đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú hơn hai năm. Đây là thời gian bị cáo tự đánh giá bản thân, thấu hiểu hành vi của mình trong giai đoạn trước. “Mong HĐXX xem xét vì công việc trong hai năm qua không có, có thể coi là tù không danh chính ngôn thuận”, cựu giám đốc Oceanbank phòng giao dịch Long Biên nói.
Bị cáo Nguyễn Phan Trung Kiên (cựu giám đốc phòng giao dịch Đông Đô) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ cũng cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương. Hơn nữa, theo bị cáo này giai đoạn năm 2011-2014 hầu hết các ngân hàng đều thực hiện chi lãi ngoài như Oceanbank. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo khi đi xin việc đều bị từ chối.
Đứng rụt rè trước bục khai báo, cựu giám đốc phòng giao dịch Oceanbank Trung Yên (Hà Nội) Nguyễn Thị Loan nói ngập ngừng xin miễn trách nhiệm hình sự. Tại phiên sơ thẩm, bà bị phạt 18 tháng tù treo.
Chiều nay, 7 nữ bị cáo là cựu lãnh đạo hội sở Oceanbank đứng trước bục khai báo đều khóc nức nở khi nói về hoàn cảnh gia đình. Các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo.
Cựu giám đốc khối bán lẻ Nguyễn Thị Thu Ba nức nở xin tòa cho hưởng án treo, trình bày đã ăn năn hối cải về việc mình đã làm. Dù chủ tọa nhắc bình tĩnh song bà Ba vẫn run run khóc, không kìm chế được.
Cựu giám đốc khối nguồn vốn Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng bản án 42 tháng tù với mình là quá nặng nề, dù chưa bị bắt giam. Bà khai không đề ra chủ trương cũng không thực hiện chủ trương. Trong tiếng khóc, bà xin được hưởng án treo. Gia đình bị cáo có hơn 10 người có công với cách mạng. Mẹ là nhà giáo ưu tú, bố có huân chương sự nghiệp giầu khí, bố mẹ chồng, ông bà nội ngoại đều có. Những tình tiết giảm nhẹ này ở cấp sơ thẩm chưa được xem xét.
Cựu phó tổng giám đốc Lê Thị Thu Thủy phủ nhận liên quan tới 1.100 tỷ chi lãi ngoài, xin cấp phúc thẩm giảm hình phạt từ 6 năm tù giam (án sơ thẩm) xuống còn án tù treo vì một mình nuôi con gái, cha mẹ già ốm đau, bản thân lại thất nghiệp.
Luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên C46
Luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch công ty Phú Mỹ) Trương Thị Minh Thơ, Nguyễn Thị Thanh Thảo đề nghị triệu tập ba điều tra viên C46.
Theo luật sư Thơ, việc triệu tập này để làm rõ số tiền 500 tỷ đồng bà Phấn bị quy buộc tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng. Liên quan đến số tiền này, bà Thơ cho rằng 81 bút lục bà cung cấp không được cấp sơ thẩm công nhận là thiếu. HĐXX sau đó cho hay ghi nhận ý kiến của luật sư và đề nghị VKS nắm bắt nội dung, đưa vào phần tranh luận sau này. Nếu tranh luận thấy cần thiết, tòa sẽ đáp ứng việc triệu tập điều tra viên.