Một người đi bộ ngang qua màn hình TV phát tin tức về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hôm 29/8. Ảnh:EPA. |
Tiếng còi báo động rít lên trên các nóc nhà là thứ âm thanh không ai muốn nghe. Đặc biệt đối với người dân Nhật Bản khi ký ức về những trận bom dải thảm trong Chiến tranh II vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của nhiều người,Irish Times đưa tin.
Sáng 29/8, người dân khắp vùng phía Bắc Nhật Bản bị đánh thức bởi tiếng còi báo động cùng thông báo trên loa phóng thanh tìm nơi trú ẩn khẩn cấp vì tên lửa Triều Tiên vừa bay qua nước này.
Trong hơn một thập kỷ qua, chính phủ Nhật Bản chỉ dùng J-Alert, hệ thống cảnh báo hoạt động dựa trên thông tin thu thập từ vệ tinh, khi xảy ra động đất, sóng thần hoặc bão. Trong những tháng gần đây, để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ những vụ phóng thử tên lửa của nước láng giềng Triều Tiên, hệ thống J-Alert có thêm công năng mới.
Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo được đầu tư hơn 900 triệu USD này chỉ càng cho thấy sự bất lực của Nhật Bản trong cách ứng phó với Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích quân sự cho biết Nhật Bản chỉ có 10 phút để chuẩn bị trước khi tên lửa của Triều Tiên chạm tới lãnh thổ nước này. Trước đó, chính phủ phải mất vài phút mới nhận thức được cuộc tấn công và khởi động hệ thống cảnh báo cho người dân. Điều đó có nghĩa là dân thường, đặc biệt ở những khu vực gần bán đảo Triều Tiên, sẽ không có nhiều thời gian để thoát thân trong trường hợp Triều Tiên thực sự phát động một cuộc tấn công.
Trong vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất, theo cơ quan chức năng của Nhật Bản, người dân chỉ có chưa đầy 5 phút để chạy vào "các tòa nhà hoặc tầng hầm kiên cố".
Khoảng 6h sáng ngày 29/8, khi đa số người dân Nhật Bản còn chưa tỉnh giấc, một tên lửa đạn đạo được phóng từ Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng, bay ngang qua vùng trời Nhật Bản. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, quả tên lửa, bay hơn 2.700km, đạt độ cao tối đa 550km, đã rơi ngay xuống vùng biển Hokkaido, hòn đảo nằm ở cực bắc của Nhật Bản.
Bất lực
Sau khi quả tên lửa của Triều Tiên rơi xuống biển ở vị trí cách mũi Erimo của đảo Hokkaido chỉ 1.180km, Nhật Bản lên án Bình Nhưỡng đã không hành xử theo nguyên tắc quốc tế. Đáng lẽ ra Bình Nhưỡng phải cảnh báo trước về việc phóng tên lửa qua vùng trời Nhật Bản. Thủ tưởng Shinzo Abe trấn an người dân rằng chính phủ đang thực hiện "các bước toàn diện". Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói rằng vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng lần này là một "mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng thấy".
Ngoài hệ thống cảnh báo J-Alert, chính phủ Nhật Bản còn dựng nhiều lớp phòng thủ, bao gồm việc sử dụng Patriot Advanced Capability, gọi tắt là Patriot, hệ thống tên lửa đạn đạo đất đối không tầm xa, để đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, tất cả các lớp bảo vệ này đều không ngăn được Triều Tiên phóng thử tên lửa và hay bắn hạ được một quả tên lửa nào của Bình Nhưỡng.
Mới chỉ vài tuần trước, Bình Nhưỡng công bố đường bay của 4 quả tên lửa nhắm tới đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cho thấy trước khi chạm mục tiêu các quả tên lửa này sẽ bay ngang vùng trời phía nam Nhật Bản. Dường như muốn khiêu khích quốc gia láng giềng, Triều Tiên đã tính toán để Hiroshima, thành phố từng hứng chịu một quả bom nguyên tử của Mỹ vào năm 1945, nằm trên đường bay của tên lửa.
Sau khi Triều Tiên dọa phóng tên lửa qua Nhật Bản đến đảo Guam, hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot đã ngay lập tức được đưa đến Hiroshima và một số tỉnh khác.
Trong một báo cáo thường niên mới phát hành, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã bước vào "một giai đoạn mới" và nhận định rằng có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã đạt được thành quả thu nhỏ vũ khí hạt nhân và phát triển được đầu đạn hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo đưa ra các phát ngôn cứng rắn. Bộ Quốc phòng triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa hiện đại. Chính phủ tăng ngân sách dành cho quân sự. Địa phương tổ chức các cuộc tập diễn tập sơ tán. Truyền thông sôi sục đưa tin. Thậm chí sau vụ phóng mới đây, các chuyến tàu ở thủ đô Tokyo, nơi cách đường bay của tên lửa Triều Tiên hơn 700km, cũng ngưng hoạt động.
Nhưng đó là tất cả những gì Nhật Bản hiện có thể làm trước mỗi vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Đối thoại - lựa chọn tối ưu
Theo ông Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên tại trường đại học Quốc gia Australia, lựa chọn tốt nhất của Nhật Bản lúc này là khởi động lại đàm phán song phương và đa phương với Bình Nhưỡng. Và Nhật Bản "không thể làm được điều này nếu thiếu sự đồng thuận của Mỹ".
Chuyên gia nhận định chừng nào các cuộc tập trận giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn diễn ra, Triều Tiên sẽ còn tiếp tục sử dụng chiêu bài đe dọa quân sự. Đối với Bình Nhưỡng, không hiệp định hòa bình nghĩa là không có gì đảm bảo an ninh. Giới phân tích cho rằng vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 chỉ là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, Nhật Bản vật lộn tìm giải pháp. Ngay sau vụ phóng tên lửa mới nhất, Tokyo cho biết sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp khẩn để gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng mà quên rằng mới tháng trước, sau hai vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh trừng phạt mới.
Nhiều khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ viện đến vụ phóng tên lửa mới nhất để đẩy nhanh việc sửa đổi hiến pháp chủ hòa đã có hiệu lực 70 năm qua, với điểm mấu chốt là làm rõ hơn vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Một số chính trị gia nước này lại thúc giục chính phủ áp dụng các biện pháp quân sự phủ đầu như dùng tên lửa hành trình để tiêu diệt tên lửa của Bình Nhưỡng trước khi rời bệ phóng.
Không ai muốn có chiến tranh, chuyên gia Petrov nói. "Nhưng một sai lầm của con người hoặc một lỗi do kỹ thuật có thể dẫn tới tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát".