Nhận hỗ trợ, DN vận tải vẫn lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp (DN) ngành giao thông vận tải (GTVT), từ đường bộ, đường sắt đến hàng không. Nhiều chính sách hỗ trợ đã kịp thời được triển khai, nhưng theo Bộ GTVT, chỉ giải quyết được một phần nhỏ khó khăn của DN vận tải. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần thiết có những chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung để tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần giảm giá thành vận tải.
Theo Bộ Giao thông vận tải, các chính sách hỗ trợ đã triển khai chỉ giải quyết được một phần khó khăn của doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Tiên Giang
Theo Bộ Giao thông vận tải, các chính sách hỗ trợ đã triển khai chỉ giải quyết được một phần khó khăn của doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Tiên Giang

Từ đầu năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có DN ngành GTVT.

Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các chính sách về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nhà nước đã hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (giảm 30%); xe ô tô tải kinh doanh vận tải (giảm 10%); đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng vé tháng qua các trạm thu phí BOT.

DN kinh doanh vận tải đường sắt được giảm 50% mức nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt từ ngày 8/2/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi vay cho các DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, hỗ trợ chạy tàu an sinh xã hội.

Đối với DN vận tải hàng không - ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch Covid-19, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định trước đó (áp dụng đến hết ngày 31/12/2021). Một số mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không được điều chỉnh giảm như mức thu phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay áp dụng bằng 90% mức thu quy định trước đó; giảm mức thu, nộp phí hải quan và lệ phí ra vào cảng hàng không, sân bay…

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ chỉ giải quyết được một phần nhỏ khó khăn của DN vận tải. Chẳng hạn, theo báo cáo của hãng hàng không Bamboo Airways, tổng chi phí hãng này được giảm từ các chính sách hỗ trợ trong năm 2020 khoảng 120 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng chi phí hoạt động của hãng. Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, nhưng mức lãi suất này vẫn cao, chi phí lãi vay vẫn là một gánh nặng. Là đơn vị cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện chính sách giảm giá điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay quốc nội với tổng số tiền là 159 tỷ đồng. Việc giảm giá trên cùng tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã làm Tổng công ty mất cân đối thu chi 141 tỷ đồng trong năm 2020…

Bộ GTVT cho rằng, việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ DN là cần thiết, bên cạnh đó cần bổ sung một số chính sách mới có mức hỗ trợ cao hơn nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải.

Đối với lĩnh vực hàng không, cần tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021. Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ tín dụng, lãi suất, cơ cấu lại thời hạn thanh toán cho DN hàng không.

Đối với vận tải đường sắt, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018/NĐ-CP về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm so với thời gian thực hiện quy định tại Điều 19 của Nghị định; bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt thuộc danh mục được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, cần tiếp tục hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách; ô tô tải kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có thêm giải pháp hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như: Giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch; giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp); không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến 31/12/2021.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay của đơn vị kinh doanh vận tải; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 đến 12 tháng cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề