6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Song Lê |
Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân hàng và Các tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính, điều này cho thấy bước đầu đã có sự dịch chuyển, doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn, thay vì chỉ phát hành riêng lẻ như thời gian trước. Đây là tín hiệu tốt, góp phần phát triển thị trường phù hợp với nhu cầu của từng loại hình nhà đầu tư.
Quan sát thị trường trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường TPDN vẫn phát triển mạnh trong khi nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. “Không ai có thể dám chắc rằng, trong số doanh nghiệp khó khăn đó không bao gồm những nhà phát hành TPDN. Nếu có, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này trong tương lai sẽ suy giảm đáng ngại”, ông Hiếu nói.
Còn theo ông Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings, có 4 rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường TPDN mà các nhà đầu tư cần nhận diện. Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn. Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Rủi ro thứ ba là định giá lãi suất chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất. Cuối cùng, rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán và sáp nhập, đại dịch…
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital, rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân sẽ là sự bất cân xứng thông tin. Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải cố gắng hiểu rõ nhà phát hành, hiểu rõ rủi ro mình đang đầu tư để tương xứng với lợi nhuận thu về. “Trong trường hợp không thể tìm hiểu, họ có thể tìm đến sự trợ giúp của các nhà tư vấn quản lý danh mục đầu tư”, ông Tuấn nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với nhà quản lý, giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư chính là việc xếp hạng tín nhiệm và cần sử dụng như một công cụ bắt buộc. Còn đối với nhà đầu tư, trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế, đây không phải lúc kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.
Trong khi đó ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam chủ động xếp hạng tín nhiệm là điều đáng mừng. Điều này giúp tăng tính minh bạch và tính khách quan về chất lượng hoạt động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với thị trường nói chung và các nhà đầu tư nói riêng.
“Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm không phải là phương pháp hoàn hảo, tuyệt đối an toàn cho tất cả thị trường tài chính và cho nhà đầu tư, mà chỉ là biện pháp, công cụ mang tính bổ trợ. Cần các giải pháp mang tính toàn diện khác, trong đó có chính sách, khung khổ pháp lý, hạ tầng, sự tuân thủ và tính trách nhiệm, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, nhà phát hành. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhà đầu tư. Hơn ai hết, họ phải là người chịu trách nhiệm kiểm soát rủi ro cho các khoản đầu tư”, ông Quỳnh nói.