Chuyển đổi số không phải là làm theo phong trào, mà phải xuất phát từ những vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều khó khăn, rào cản
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư, phát triển DN, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự thảo, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy ĐMST và CĐS như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV; các chiến lược, chương trình hành động về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình hỗ trợ DN CĐS…
Từ đầu năm 2021, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&ĐT đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu 100% DN Việt Nam đều được nâng cao nhận thức về CĐS, hỗ trợ các DN CĐS điển hình thành công.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, thời gian qua, Bộ này tập trung hỗ trợ DNNVV thực hiện CĐS bằng các nền tảng số, thu hút hơn 500.000 DN tham gia và có khoảng 70.000 DN đã sử dụng các nền tảng số…
Cho rằng CĐS là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hoạt động CĐS trong cộng đồng DN diễn ra mạnh mẽ những năm gần đây. Nhiều DN đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ KH&ĐT phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, nhiều DN phản ánh vẫn đang gặp khó khăn, rào cản khi tiến hành CĐS. Ví dụ, có tới 60,1% DN được khảo sát phản ánh rào cản mà họ gặp phải là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% DN phản ánh thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của DN, người lao động…
Dưới góc độ đơn vị chuyên cung cấp giải pháp tài chính cho DNNVV, ông Lê Ngọc Lâm, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện khối DN này vẫn gặp khó khăn do rào cản nguồn lực thực hiện CĐS.
Đồng hành nâng cao năng lực chuyển đổi số
Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bất ổn kinh tế, chính trị thế giới, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các DN, trong đó có DNNVV phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy ĐMST và CĐS để bứt phá, tăng tốc, chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức. Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước huy động nguồn lực hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, rào cản để nâng cao năng lực ĐMST và CĐS thành công.
Cũng khẳng định cam kết đồng hành cùng DNNVV trên hành trình CĐS, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhấn mạnh, DN Việt Nam chủ yếu là các DNNVV, “sức khỏe” còn hạn chế nên muốn đi nhanh, đi xa phải đi cùng nhau. Ở Việt Nam, giải pháp quản trị DNNVV có nhiều nhưng rời rạc, thiếu sự kết nối. Do đó, năm 2021, VNPT đã ra mắt sản phẩm mới (ONESMEs) tích hợp giải pháp toàn diện hỗ trợ DNNVV vượt qua rào cản CĐS với giá thành rẻ. Để hóa giải thách thức về nguồn lực CĐS (công nghệ, chi phí và nhân lực) cho DNNVV, VNPT sẽ tiếp tục đảm nhận giải quyết các vấn đề này nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ CĐS phù hợp cho DN.
“Điều quan trọng nhất để DNNVV CĐS thành công là sự quyết tâm chuyển đổi tư duy của lãnh đạo DN thực hiện vấn đề này”, ông Thái khẳng định.
Về phía BIDV, ông Lâm cho biết, với vai trò ngân hàng thương mại nhà nước, BIDV có các sản phẩm phục vụ khách hàng DN CĐS thuận lợi.
Cũng tại Diễn đàn, một số ý kiến lưu ý, CĐS là xu hướng tất yếu, nhưng không phải là làm theo phong trào, bởi đã có DNNVV chi tới 3 tỷ đồng để CĐS nhưng chưa hiệu quả. Do đó, các chuyên gia lĩnh vực này khuyến nghị, để CĐS thành công phải xuất phát từ những vấn đề nội tại của DN, đặt được đầu bài là chọn nội dung gì để CĐS: quản trị hay kinh doanh… mới mang lại hiệu quả.
“CĐS phải được thực hiện dựa trên năng lực, thực trạng của DN và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nếu thực hiện CĐS mà DN khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công”, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa lưu ý.