Ảnh Internet |
“Biến động tỷ giá của đồng NDT không phải là quá lớn so với những biến động ở các thị trường mới nổi khác. Đồng NDT chỉ trở lại với ngưỡng đầu năm nay và mức trung bình năm ngoái”, Trưởng đại diện IMF James Daniel cho hay.
Giá đồng NDT đã sụt giảm kể từ giữa tháng 6 năm nay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, sau khi tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5. “Những biến động gần đây của đồng NDT chỉ phản ánh tính linh hoạt của tỷ giá”, ông Daniel cho biết.
“Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, và phần nào đó đang nới lỏng tiền tệ. Trong khi nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh và có xu hướng thắt chặt chính sách tiển tệ. Do đó, chúng ta có thể thấy sự khác nhau trong chính sách tiền tệ đang được phản ánh qua sự sụt giảm của tỷ giá NDT”, ông Daniel giải thích.
Theo báo cáo thường niên về kinh tế Trung Quốc của IMF, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm nay – thấp hơn so với mức tăng 6,9% của năm ngoái.
Dự báo tăng trưởng trên không thay đổi so với mức dự báo gần nhất mà IMF đưa ra hồi tháng 5. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 kể từ tháng 1, sau khi nền kinh tế nước này bất ngờ tăng tốc trong năm ngoái.
Bên cạnh việc đánh giá cao những bước tiến của Trung Quốc trong việc giảm rủi ro tài chính và tiếp tục mở cửa nền kinh tế, báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng tăng trưởng tín dụng của quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn cao tới mức không bền vững, bởi một số mặt của tiến trình tái cân bằng nền kinh tế đã chậm lại.
Theo báo cáo, dự báo lạm phát của Trung Quốc có thể tăng dần lên ngưỡng 2,5%, trong khi lạm phát giá nhà sản xuất sẽ ở mức vừa phải.
Mỹ hiện đang theo dõi chặt chẽ biến động tỷ giá đồng tiền của đối tác thương mại hàng đầu của mình. Hôm thứ Năm (26/7), Bộ trường Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đang “theo dõi sát” sự suy yếu của đồng NDT.