Đón xuân mới Bính Thân 2016, nhà thầu cũng rất cần sự đổi mới từ phía chủ đầu tư, bên mời thầu. Báo Đấu thầu ghi lại những suy nghĩ, tâm tư của các nhà thầu trên khắp cả nước về những điều đã làm được và cả những vấn đề còn tồn tại, cũng như mong ước về những thay đổi tốt đẹp hơn.
- Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ điện Bình Dương
Các doanh nghiệp cơ điện khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng rất mừng khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực. Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã và sẽ phát huy rất nhiều tác dụng, tạo ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Việt, hàng hóa đã sản xuất được trong nước trong các gói thầu sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một số tư vấn và chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu rất tùy tiện khiến cho Luật và Nghị định này bị dẹp qua một bên vì phân biệt đối xử với hàng trong nước đã sản xuất được. Dẫu vậy, không phải vì một số trường hợp cá biệt đó mà quên mất tinh thần chủ đạo của Luật Đấu thầu trong việc ủng hộ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các chủ đầu tư hãy thực hiện đúng tinh thần của Luật Đấu thầu để lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, để đồng tiền ngân sách phát huy hiệu quả lâu dài.
- Ông Nguyễn Hoàng Điệp, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải
Chúng tôi đã tham gia đấu thầu và trúng thầu tại nhiều quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Myanmar, Brunei, Ấn Độ. Hồ sơ mời thầu của những gói thầu mà chúng tôi trúng tại các quốc gia này quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ nội địa hóa trong từng gói thầu cụ thể. Đơn cử như tại Brunei, hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu đều yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa phải đạt ít nhất từ 25% đến 50%. Đối với các nước khác, tỷ lệ nội địa hóa đều cao và phải được xác định trong toàn bộ giá trị của dự án/gói thầu, chứ không yêu cầu một cách chung chung. Về chính sách đấu thầu của Việt Nam, tôi đánh giá có nhiều cải tiến rõ rệt trong thời gian qua. Việc bổ sung những nội dung đột phá nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, cụ thể bằng những quy định ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước đã sản xuất được là một cú hích quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, để chính sách đấu thầu dần phát huy ý nghĩa, cần quán triệt mạnh tinh thần ưu tiên dùng hàng Việt đến từng chủ đầu tư.
- Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam
Để có được thành công của một đơn vị chiếm 30% thị trường thang máy Việt Nam, chúng tôi rất tin tưởng vào hệ thống chính sách đấu thầu hiện hành. Các nhà thầu như chúng tôi đang được ở trong thời kỳ mà mọi sự cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần được đánh giá bởi những tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng, minh bạch và hiệu quả của Luật Đấu thầu. Bỏ qua những gói thầu mà chủ đầu tư không muốn có hiệu quả và minh bạch, chúng tôi tin, đấu thầu ở Việt Nam đang là những cuộc chơi gay cấn, hấp dẫn và kịch tính để đồng tiền ngân sách được sử dụng tốt nhất. Chỉ riêng lĩnh vực thang máy, sân chơi đấu thầu đã giúp chúng tôi có cơ hội cọ xát, tạo điều kiện để chúng tôi trở thành đối tác uy tín số 1 tại khu vực Đông Nam Á của các tập đoàn hàng đầu. Để có được những cuộc đấu tại sân chơi này, điều quan trọng là sự hoàn thiện, đồng bộ, bắt kịp xu hướng quốc tế của chính sách đấu thầu.
- Ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng ban Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM
Chúng tôi kỳ vọng có nhiều nhà thầu đủ năng lực tham gia đấu thầu gói thầu số 1a tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Từ thực tế triển khai những gói thầu lớn của các dự án metro ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy những gói thầu có nguồn tài trợ đa dạng, việc đấu thầu rộng rãi là yêu cầu bắt buộc và ưu tiên hàng đầu. Việc triển khai các gói thầu có nguồn tài trợ đa dạng thường phức tạp và mất nhiều thời gian để tìm được sự hài hòa trong quá trình tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà đấu thầu rộng rãi luôn tìm được những nhà thầu đủ năng lực nhất. Là đại diện chủ đầu tư, chúng tôi tin tưởng, thực hiện nghiêm túc những quy định về đấu thầu sẽ là cách tốt nhất để tìm được nhà thầu uy tín. Đấu thầu sẽ giúp các chủ đầu tư đánh giá, cân nhắc được năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực về mọi mặt của các nhà thầu, để từ đó tìm được nhà cung cấp đem lại nhiều hiệu quả, chất lượng, bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kết cấu hạ tầng cho TP.HCM.
Tuân thủ quy định về công khai, minh bạch
- Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng công trình Nam Định
Thực tế đã có nhiều vấn đề xảy ra khi tiến hành đấu thầu, khi mà các nhà thầu và chủ đầu tư cố tình hạn chế sự cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến sự minh bạch trong công tác đấu thầu, đặc biệt là các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, việc hạn chế phát hành HSMT được một số chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện bằng nhiều cách nhằm mục đích cản trở những nhà thầu có năng lực muốn tham gia đấu thầu và trúng thầu. Để hạn chế vấn đề này, nhất thiết cần cơ chế thông suốt về thông tin, trong đó có thể đưa số điện thoại đường dây nóng tới cấp lãnh đạo cao nhất của bên mời thầu; số điện thoại của cơ quan chủ quản đơn vị mời thầu, cơ quan công an… để nhà thầu kịp thời phản ánh khi bị cản trở mua HSMT, nhất là khi bị những đối tượng “xã hội đen” đe dọa nhà thầu khi đến mua HSMT. Phải chấn chỉnh được thì tôn chỉ cao nhất trong công tác đấu thầu là “công bằng, minh bạch” mới được thực hiện tốt.
- Ông Lê Quang Tám, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển (Hải Phòng)
Khoản 9 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định: “Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu” là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Và Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng cũng nêu rõ về mức tạm ứng hợp đồng. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư, bên mời thầu thường chậm trễ trong việc tạm ứng vốn cho nhà thầu. Cụ thể, có trường hợp dù hợp đồng thi công cam kết sau 7 - 14 ngày làm việc, chủ đầu tư phải tạm ứng cho nhà thầu. Nhưng khi nhà thầu hoàn thành đến hơn 50% khối lượng công việc, mà cam kết đó vẫn chưa được thực hiện. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu trong công tác tài chính. Để giải quyết vấn đề, rất cần chủ đầu tư thực hiện đúng chủ trương về bảo đảm đủ nguồn vốn mới tiến hành triển khai dự án, thông báo lựa chọn nhà thầu. Chủ đầu tư phải cung cấp vốn đầy đủ, đúng tiến độ theo hợp đồng đã cam kết để nhà thầu triển khai dự án bảo đảm tiến độ đề ra.