Nhà thầu phản ánh rủi ro pháp lý về hợp đồng xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều nhà thầu xây dựng, hoạt động xây dựng chịu rất nhiều rủi ro do các yếu tố khách quan, chủ quan. Trong đó, cơ chế chính sách liên quan tới hợp đồng xây dựng đang có nhiều quy định không sát với thực tiễn, dẫn đến rủi ro cho nhà thầu.
TS. Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam
TS. Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam

Chiều 12/5, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS. Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, pháp lý về hợp đồng xây dựng được hình thành dựa trên các quy định về hợp đồng xây dựng có trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định này đang có sự trùng lặp hầu hết các nội dung; bên cạnh đó, một số quy định thiếu rõ ràng, thiếu định tính, định lượng trong quá trình thực thi.

Đơn cử là khái niệm về “bất khả kháng” đối với hợp đồng trọn gói. Ông Cận cho biết, mặc dù nội dung “bất khả kháng” được nêu trong nhiều văn bản pháp luật nhưng hiện chưa có luật hay các văn bản dưới luật nào quy định cụ thể, có hướng dẫn về nội dung “bất khả kháng” nên trong thực tế vấn đề này không đi vào cuộc sống. Tình trạng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép tăng đột biến 40 - 50%, hay tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng… nhưng các vấn đề này không được xem là bất thường hay bất khả kháng để áp dụng trong thực tiễn.

Dựa trên phân tích đó, ông Cận đề xuất, phải hướng dẫn cụ thể, làm rõ khái niệm bất khả kháng cho từng trường hợp quy định trong các luật, các trường hợp có thể áp dụng được quy định này hoặc dùng khái niệm có thể định tính, định lượng được.

Bên cạnh đó, cơ chế bảo lãnh đang có sự bất bình đẳng với các chủ thể tham gia hợp đồng. Theo VACC, nợ đọng xây dựng vẫn đang gây khó khăn, nhức nhối cho các nhà thầu, có gói thầu nợ đọng tới gần 20% sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng mà vẫn chưa được thanh toán. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu xây dựng phải có 4 lần thực hiện bảo lãnh (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng) nhưng không có một chế tài nào đối với chủ đầu tư trong việc đảm bảo thanh toán cho nhà thầu; dẫn đến tình trạng chủ đầu tư nợ đọng, không có vốn thanh toán cho nhà thầu. VACC đề xuất, bổ sung quy định, cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng: “khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu”. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Theo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, có rủi ro trong quy định của các văn bản pháp luật liên quan tới hợp đồng xây dựng, đơn cử là vấn đề giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu. Cụ thể, đối với một số dự án khi giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu, chủ đầu tư có cơ sở để kéo thời hạn thanh toán căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định 50/2021/NĐ-CP: “Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì phải được chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá hợp đồng của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư”. Việc giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu là do biến động của thị trường diễn ra bất thường hoặc do tính toán của chủ đầu tư không lường trước được các nội dung phát sinh điều chỉnh, việc này hoàn toàn không do lỗi của nhà thầu, tuy nhiên theo quy định của Nghị định 50/2021/NĐ-CP thì nhà thầu sẽ chịu rủi ro bị đọng vốn sản xuất, phải chờ đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được thanh toán.

Tại Khoản 3 Điều 19 của Nghị định 37/2015/NĐ-CP: Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; tại Điểm k Khoản 1 Điều 11 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP: Trường hợp cần tạm giữ chưa thanh toán cho nhà thầu một khoản tiền nhất định hoặc một tỷ lệ nhất định so với khối lượng hoàn thành để phục vụ công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng. Như vậy, theo quy định của pháp luật về xây dựng không quy định bắt buộc phải giữ lại khoản tiền phục vụ công tác quyết toán công trình, tuy nhiên khi ban hành hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư thường yêu cầu giữ lại từ 2% đến 5% giá trị để chờ quyết toán.

"Tôi cho rằng, hoạt động xây dựng đòi hỏi nguồn vốn phục vụ thi công lớn, nguồn vốn để luân chuyển cho sản xuất kinh doanh của nhà thầu là rất quan trọng. Nếu giải phóng nguồn tiền giữ lại thì sẽ hỗ trợ lớn cho hoạt động của nhà thầu. Trường hợp dự án có các hạng mục công việc mà khối lượng phát sinh tăng 20% so với khối lượng hợp đồng (đơn giá phải lập lại mới) và khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng, để tránh rủi ro cho chủ đầu tư/bên giao thầu, có thể quy định trong hợp đồng tỷ lệ thanh toán nhất định đối với các hạng mục phát sinh này", đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết.

Ở góc nhìn của Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holding, hiện nay số lượng hợp đồng xây dựng sử dụng nguồn vốn ngoài đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi đó chưa có mẫu hợp đồng xây dựng theo chuẩn hóa Việt Nam để áp dụng chung (tương tự như mẫu hợp đồng FIDIC). Cùng với đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại quy định cách thức giải quyết đối với phần lớn các tranh chấp có thể xảy ra, nhưng chỉ áp dụng đối với dự án vốn đầu tư công.

Do đó, Công ty đề xuất bổ sung đối tượng điều chỉnh là các dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước vào pháp luật xây dựng để giải quyết, ngăn ngừa được nhiều tranh chấp xảy ra trong hoạt động xây dựng như: thưởng, phạt vi phạm hợp đồng; thời hạn ký hồ sơ quyết toán, thanh lý; lãi chậm trả trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán; điều chỉnh giá hợp đồng, đơn giá hợp đồng… Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holding cũng nhấn mạnh đề xuất bổ sung trách nhiệm bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư; bổ sung điều kiện nghiệm thu, bàn giao công trình…

Chuyên đề