Ông Võ Văn Sang, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Phố Thị
Do đặc thù địa hình, các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu sử dụng cát làm vật liệu san lấp, đắp nền, nhưng cầu đang vượt cung. Cụ thể, khu vực này đang triển khai cùng lúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm và các mỏ được chỉ định trên địa bàn đều ưu tiên khai thác vật liệu cho các công trình này. Vì vậy, các công trình xây dựng khác trên địa bàn rất khó tiếp cận nguồn cung cát, nếu được thì cũng phải qua nhiều đơn vị cung ứng trung gian, đội giá rất cao, từ 127.000 - 130.000 đồng/m3 lên tới 165.000 - 170.000 đồng/m3.
Trong khu vực, các mỏ cát lớn đều tập trung tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, các công trình trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ các địa phương này. Tuy nhiên, khi xây dựng dự toán, đơn vị tư vấn lại áp dụng đơn giá vật liệu tại địa phương nơi thực hiện dự án, chưa tính đến chi phí vận chuyển đến chân công trình, gây chênh lệch lớn giữa dự toán và thực tế.
Về giải pháp tháo gỡ, theo tôi, cần chú trọng khâu đánh giá tác động môi trường, dự báo trữ lượng cát thực tế, từ đó giúp các địa phương tăng tính chủ động, cân bằng được nguồn cung. Ngoài ra, các địa phương nên nghiên cứu phương án sử dụng vật liệu thay thế, trong đó có thể cân nhắc đến nguồn đất đỏ bazan tại khu vực Đông Nam Bộ hay nguồn cát biển nếu bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và môi trường. Việc sớm giải bài toán nguồn cung vật liệu san lấp vừa là giải pháp gỡ khó cho nhà thầu, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ các đại dự án cao tốc đang được triển khai.