Nhà thầu chưa nghiêm túc bảo đảm an toàn lao động

(BĐT) - Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2015 tăng 6,2% so với năm 2014, cùng với đó số người chết tăng 5,7%. 
Biện pháp đảm bảo an toàn lao động thường được các nhà thầu cam kết trong HSDT. Ảnh: Lê Tiên
Biện pháp đảm bảo an toàn lao động thường được các nhà thầu cam kết trong HSDT. Ảnh: Lê Tiên

Lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Thực tế này đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) phải được các doanh nghiệp, nhà thầu chú trọng hơn để thực hiện đúng cam kết theo hồ sơ dự thầu.

Nguy cơ lớn từ công trường xây dựng

Theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổng kết, trong năm 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn và 666 người chết. Thiệt hại về vật chất như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng.

Nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2015 cũng được Bộ LĐTBXH điểm danh. Theo đó, vụ sập giàn giáo tại khu vực thi công đúc giếng chìm của Công ty Samsung tại Dự án Formusa Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh làm 13 người chết, 29 người bị thương. Vụ rơi vận thăng lồng tại Công trình xây dựng Văn phòng làm việc, Trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp, 52 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội làm 03 người chết. Vụ đổ sập tại Công trình xây dựng Trung tâm tiệc cưới và Hội nghị quốc tế Hoàng Tử, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ làm 01 người chết và 04 người bị thương...

Dù chủ đầu tư luôn đưa ra yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động trong HSMT và nhà thầu luôn cam kết đảm bảo yêu cầu này trong HSDT, song trên thực tế số vụ tai nạn lao động trên các công trường xây dựng trong năm 2015 vẫn tăng và chiếm tỷ lệ cao.
Phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người nhận được, Bộ LĐTBXH đánh giá, loại hình công ty CP chiếm nhiều nhất với 40,2% số vụ tai nạn chết người và 40,1% số người chết; tiếp đến là loại hình công ty TNHH. Đặc biệt, trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người thì lĩnh vực xây dựng chiếm đầu bảng. Về các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 52,8%. Nguyên nhân người lao động chiếm 18,9%. Còn lại 28,3% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.

Thực tế nêu trên cho thấy, nguy cơ mất ATLĐ trên các công trường xây dựng là rất lớn. Và dù, trong cả HSMT lẫn HSDT chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều đưa ra yêu cầu, cam kết về bảo đảm ATLĐ, nhưng xem ra trong nhiều trường hợp các yêu cầu/cam kết này vẫn chỉ là “hình thức’’. 

Chậm xử lý khi tai nạn lao động xảy ra

Về xử lý các vụ TNLĐ, theo Bộ LĐTBXH đánh giá là chậm và yếu. Cụ thể, với 629 vụ TNLĐ chết người xẩy ra trong năm 2015 nhưng đến ngày 15/02/2016, Bộ này mới chỉ nhận được 238 biên bản điều tra.

Năm 2015, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý thì mới chỉ có 05 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố, và trong đó... chỉ có 01 vụ đã xét xử là vụ sập giàn giáo xảy ra ngày 25/3/2015 làm 13 người chết, 29 người bị thương tại Công trường thi công sản xuất và lắp đặt thùng chìm trọng lực - Dự án Formusa của Công ty TNHH Giang thép Hưng Nghiệp Formusa Hà Tĩnh (Công ty Samsung C&T Corporation là đơn vị thi công).

Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Mậu Diệp, là do sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan liên quan trong giải quyết TNLĐ chết người. Từ đó dẫn đến tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người vẫn còn rất chậm so với quy định.

Cùng với đó, có thực trạng nhiều địa phương cũng không có “Báo cáo TNLĐ theo loại hình doanh nghiệp, nghề nghiệp” hoặc số liệu báo cáo không đầy đủ. Năm 2015, chỉ có 18.375/265.009 (khoảng 6,9%)  doanh nghiệp báo cáo về tình hình TNLĐ (năm 2014 là 19.780/269.554 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ vẫn chưa cao. Do vậy, việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên toàn quốc cũng gặp nhiều khó khăn.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ sẽ đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động. Phối hợp với Bộ LĐTBXH kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất. Đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. Đồng thời, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp Bộ LĐTBXH trong việc điều tra, đảm bảo đúng thời hạn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ TNLĐ.

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia về ATLĐ, các doanh nghiệp cũng cần tự ý thức tăng cường kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Thực hiện việc mua bảo hiểm công trình xây dựng nghiêm túc, nhằm ứng phó tốt với các rủi ro khi xảy ra.

Theo Bộ LĐTBXH, trong 10 tỉnh, thành xảy ra nhiều vụ TNLĐ nhất thì tại Đồng Nai, nơi tập trung nhiều công trường xây dựng, nhiều khu công nghiệp, số vụ TNLĐ năm 2015 tăng rất cao, tăng 52% so với năm 2014.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư