Sau nhiều ngày liên tục quá tải trên tất cả kênh, Vinaphone và MobiFone vừa thông báo gia hạn việc cập nhật thông tin với các chủ thuê bao.
VinaPhone thông báo gia hạn đến ngày 15/5, thay vì thời hạn 24/4. Ngoài điểm giao dịch, ứng dụng và fanpage, VinaPhone cũng mới mở thêm các kênh trực tuyến để khách hàng có thể tự thực hiện bổ sung thông tin thuê bao qua web và email.
Thông báo dán tại cửa hàng MobiFone trên đường Nguyễn Du, Quận 1, TP HCM.
MobiFone và Viettel cũng có thông báo tương tự, song không nêu thời hạn cụ thể như VinaPhone.
Đại diện nhà mạng lớn nhất thị trường là Viettel cho biết vẫn nỗ lực triển khai các phương án để cập nhật thông tin đầy đủ cho chủ thuê bao theo đúng thời hạn bằng cách tăng cường các điểm giao dịch, kênh hỗ trợ online, tổng đài. Riêng hai ngày cuối tuần, đơn vị này cũng điều động khoảng 500 nhân viên đi các tỉnh, thành hỗ trợ hệ thống.
Một số nhà mạng cũng đã bổ sung quầy ưu tiên dành riêng cho người già, phụ nữ mang thai và người khuyết tật.
Tuy nhiên, các nhà mạng nói thêm, gia hạn nghĩa là họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cập nhật thông tin, còn việc các thuê bao có bị cắt liên lạc hay không, phải chờ hướng dẫn và chỉ đạo từ Bộ Thông tin & Truyền thông sau ngày 24/4.
Quy trình khóa sim với thuê bao chưa cập nhật thông tin, theo Nghị định 49
- Nhà mạng thông báo liên tục yêu cầu thuê bao cập nhật lại thông tin trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần.
- Sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, chủ thuê bao không thực hiện theo yêu cầu bị khóa một chiều. Cùng lúc, nhà mạng ra thông báo sẽ khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
- Sau 15 ngày kể từ ngày này, nhà mạng mới được phép khóa hai chiều. Cùng lúc, ra thông báo thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
- Cuối cùng, sau 30 ngày từ khi khóa hai chiều không thực hiện thì nhà mạng mới được phép thanh lý hợp đồng.
Như vậy, việc nhà mạng có cắt liên lạc của thuê bao hay không, phụ thuộc vào doanh nghiệp đã thông báo như thế nào cho khách hàng. Bởi nếu nhà mạng thông báo chưa đúng quy trình cho chủ thuê bao theo Nghị định 49 tức là doanh nghiệp vi phạm luật.
Lãnh đạo Cục cũng nhấn mạnh về việc nhà mạng không thể khóa liên lạc một cách bất ngờ mà phải thực hiện đúng quy trình.
"Trừ phi nhà mạng thông báo cho khách hàng rất nhiều lần theo đúng lịch trình trong nghị định mà chủ thuê bao vẫn không đi đăng ký lại thông tin thì họ mới có quyền khóa hoặc cắt. Nếu họ chưa từng thông báo cho khách hàng đúng theo Nghị định hoặc khách hàng đã hợp tác mức độ nào đó rồi thì họ không có quyền cắt, khi đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm", vị này nói.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, thời gian triển khai Nghị định 49 không phải gấp gáp. Văn bản này đã được ban hành cách đây một năm, cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần tổ chức cuộc họp, ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai. Lẽ ra nhà mạng sẽ phải chia nhóm để thông báo tới khách hàng. Tuy nhiên, gần như trong một năm qua nhà mạng không làm gì mà đến gần sát ngày mới nhắn tin các chủ thuê bao khiến việc cập nhật bị quá tải.
"Chính vì thế, các nhà mạng phải có trách nhiệm tạo điều kiện tối đa cho người dân, bố trí thêm điểm, nhân viên phục vụ... ", vị này nói.
Nghị định ban hành từ tháng 4/2017 cũng quy định rõ, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch.
Những doanh nghiệp viễn thông nếu có thông tin thuê bao không đúng quy định sẽ chịu mức phạt một triệu đồng mỗi số. Tuy nhiên, tổng số tiền phạt sẽ không vượt quá 200 triệu đồng.
Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 23/4, tại nhiều điểm giao dịch ở Hà Nội, TP HCM vẫn rất đông người đến thực hiện đăng ký thông tin thuê bao.
Tuy nhiên, nhiều người không nhận tin nhắn thông báo của nhà mạng cũng đến làm thủ tục cập nhật. Tình trạng này khiến các điểm giao dịch thêm ùn tắc. Đại diện các nhà mạng đều khẳng định, chỉ có những thuê bao nhận được tin nhắn thông báo mới cần đến cửa hàng hoặc truy cập các kênh trực tuyến để cập nhật hoặc bổ sung thông tin.