Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký mới vào Việt Nam sụt giảm là hệ lụy khó tránh khỏi. Dù vậy, rất nhiều nhà ĐTNN đã có đầu tư tại Việt Nam vẫn giữ niềm tin vào triển vọng tương lai, tiếp tục mở rộng các dự án hiện hữu.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định tăng vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Vi Hồng Thái
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định tăng vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Vi Hồng Thái

Dấu hiệu tích cực từ vốn tăng thêm, vốn thực hiện

Cùng với sự phục hồi, tăng trưởng nhanh của nền kinh tế trong 11 tháng của năm 2022, nhiều nhà ĐTNN đã mở rộng các dự án hiện hữu tại Việt Nam. Vốn đầu tư tại Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) đã tăng 920 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD...

Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ đầu năm đến 20/11/2022, cả nước có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng cả về số dự án và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khẳng định niềm tin đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam khi nhà ĐTNN quyết định mở rộng dự án hiện hữu. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tăng 4,9% so với cùng kỳ, đạt hơn 9,6 triệu USD/lượt điều chỉnh (cùng kỳ 2021 là 9,1 triệu USD). Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 11 tháng năm 2022 tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tình hình đang dần được cải thiện. Nếu không tính 2 dự án lớn trong 11 tháng năm 2021 là Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD - là các dự án đã được đàm phán trong thời gian 7 - 8 năm trước đó, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ 2021 và tăng hơn so với các tháng đầu năm.

Nỗ lực băng qua khó khăn

Theo nhiều dự báo, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn trong thu hút ĐTNN của Việt Nam. Bộ KH&ĐT nhận định, thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Bà Hoàng Hồng Vân, Trưởng phòng Đối ngoại thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, báo cáo trong quý III của EuroCham cho thấy, sau tác động của Covid-19, thì khủng hoảng kinh tế thế giới cũng tác động đến đầu tư vào Việt Nam. Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã giảm 2 quý liên tiếp. Dù vậy, theo bà Vân, 42% số doanh nghiệp được hỏi xác nhận là sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tỷ lệ này đã cao hơn thời gian dịch Covid-19.

“Chính sách từ Trung ương rất tạo điều kiện, nhưng ở từng địa phương lại có những điều kiện khác nhau làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án. Việt Nam phát triển hạ tầng tốt, cải thiện nhiều nhưng chi phí vận tải vẫn rất cao. Về nhân lực, các công ty châu Âu không thực sự quan tâm nguồn nhân lực rẻ mà cần nhân lực chất lượng”, bà Vân chia sẻ về những vấn đề mà DN châu Âu còn quan ngại.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN Việt Nam, chia sẻ, ở giai đoạn hiện nay, cần quan tâm đến vấn đề Việt Nam được gì trong thu hút vốn ĐTNN, thu hút có hiệu quả hay không, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia được vào phân khúc nào trong sản phẩm của doanh nghiệp ĐTNN, đã vào được phân khúc cao hay mới tham gia vào phụ trợ ở phân khúc công nghệ thấp trong sản phẩm công nghệ cao?

Cũng theo ông Toàn, thu hút luồng vốn từ những nước phát triển như EU, Mỹ, không chỉ có lợi ích kinh tế mà cả lợi ích phát triển bền vững. Bộ KH&ĐT xây dựng các tiêu chí chọn lọc đầu tư là rất tốt, nếu ban hành và thực thi hiệu quả sẽ góp phần thu hút những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh nỗ lực thu hút vốn ĐTNN, cần tạo môi trường cho nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, nhà ĐTNN rất cần thể chế minh bạch, sự đối xử minh bạch, thân thiện với doanh nghiệp từ lãnh đạo địa phương. Nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, thuận lợi sẽ tạo ra tiếng vang lớn, thu hút đầu tư tại chỗ.

Trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về thu hút ĐTNN, Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút ĐTNN đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Chuyên đề