Nhà đầu tư năng lượng tái tạo sốt ruột chờ cơ chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của nhà đầu tư, đến thời điểm này, nhiều dự án điện gió dù đã hoàn thành đầu tư xây dựng trước ngày 31/10/2021 nhưng đang phải “đắp chiếu”, không thể vận hành do gặp yếu tố bất lợi về thời tiết trong quá trình thử nghiệm để công nhận COD (vận hành thương mại). Trong khi đó, cơ chế chính sách “gối đầu” để phát triển các dự án này vẫn chưa được ban hành.
Theo quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BCT, nhà máy điện gió chỉ được phép đưa vào vận hành sau khi hoàn thành điều kiện kỹ thuật trong các thử nghiệm của quy trình công nhận COD. Ảnh: Công Thử
Theo quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BCT, nhà máy điện gió chỉ được phép đưa vào vận hành sau khi hoàn thành điều kiện kỹ thuật trong các thử nghiệm của quy trình công nhận COD. Ảnh: Công Thử

Công ty CP Năng lượng FICO Bình Định vừa tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cùng một số cơ quan liên quan đề nghị tháo gỡ khó khăn về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị công nhận COD với Nhà máy Điện gió Nhơn Hội - giai đoạn 2, tỉnh Bình Định.

Nhà đầu tư cho biết, Nhà máy điện gió (NMĐG) Nhơn Hội - giai đoạn 2 đã hoàn thành và phát điện lên lưới điện quốc gia, được ghi nhận trên dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/10/2021, Nhà máy chưa hoàn thành thử nghiệm kết nối AGC và thử nghiệm tin cậy nên chưa được công nhận COD, không được vận hành nối lưới và không được hưởng giá FIT. Thời gian qua, Nhà đầu tư liên tiếp có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép công nhận COD đối với Nhà máy. Đến thời điểm hiện tại, kiến nghị của Nhà đầu tư vẫn chưa được giải quyết. Nhà máy dù đã hoàn thành nhưng không có nguồn thu.

FICO Bình Định chỉ ra vướng mắc tại Thông tư 39/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó, nhà máy chỉ được phép chính thức đưa vào vận hành sau khi đã hoàn thành các điều kiện kỹ thuật trong các thử nghiệm của quy trình công nhận COD, trong khi theo doanh nghiệp (DN), các thử nghiệm kỹ thuật trong quy trình COD phụ thuộc vào thời tiết và năng lượng đầu vào sơ cấp, tức là hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố khách quan.

“Nếu áp dụng cứng nhắc quy định này để làm điều kiện hoàn thành quá trình đầu tư xây dựng sẽ làm giảm tính minh bạch, không phản ánh đúng bản chất của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tạo rủi ro cho nhà đầu tư”, FICO Bình Định lên tiếng.

Nhà đầu tư cho rằng, các quy định về điều kiện kỹ thuật trong quy trình công nhận COD NMĐG theo Thông tư 39/2015/TT-BCT cũng mâu thuẫn với Quyết định số 25/QĐ-ĐTĐL của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) về quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm.

Theo Quyết định số 25/QĐ-ĐTĐL, trong thời gian thử nghiệm, nếu nguồn năng lượng sơ cấp không đạt được các mức công suất để thực hiện thử nghiệm thì NMĐG, nhà máy điện mặt trời được phép thử nghiệm đến mức công suất tối đa theo sự sẵn sàng của nguồn năng lượng sơ cấp. Các thử nghiệm này được phép hoàn thành sau COD trong vòng 1 năm…

Do đó, DN kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương xem xét các yếu tố pháp lý và thực tế nêu trên chấp thuận cho NMĐG Nhơn Hội - giai đoạn 2 được công nhận COD, hưởng giá FIT tại thời điểm hoàn thành đầu tư xây dựng trước ngày 31/10/2021.

Chung cảnh ngộ phải “đắp chiếu” nhà máy, ông Lương Minh Nam, Giám đốc Dự án NMĐG Nam Bình 1 thuộc Công ty CP Điện gió Nam Bình cho biết, đến thời điểm này, những khó khăn của NMĐG Nam Bình 1 vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Nam, đến ngày 29/10/2021 - trước thời điểm cơ chế giá FIT hết hiệu lực, NMĐG Nam Bình 1 đã hoàn thành, hòa lưới 9 tuabin, sẵn sàng phát điện, nhưng trong quá trình thử nghiệm để công nhận COD, thời tiết bất lợi, tốc độ gió thấp và không ổn định nên không đủ năng lượng sơ cấp để kịp vận hành bước cuối cùng trước thời điểm kết thúc cơ chế giá FIT. Từ đó đến nay, Dự án dù đã hoàn thành nhưng phải “đứng im”, chưa thể hoạt động. “Nếu những khó khăn này không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến định hướng dài hạn của DN”, ông Nam cho biết.

Ngoài 2 dự án trên, một số dự án NMĐG lớn khác như: NMĐG Cầu Đất (tổng vốn đầu tư gần 1.720 tỷ đồng do Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư); NMĐG Tân Tấn Nhật - Đắk Glei (tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng do Công ty CP Tân Tấn Nhật làm chủ đầu tư)… cũng đang phải “đắp chiếu” do gặp yếu tố bất lợi về thời tiết trong quá trình thử nghiệm để công nhận COD.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận sốt ruột: “Hiện cơ chế đối với phát triển điện gió đã hết hiệu lực hơn 7 tháng, còn điện mặt trời thì lâu hơn (1,5 năm) nhưng đến nay cơ chế mới chưa được ban hành khiến nhà đầu tư chưa biết bấu víu vào đâu”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T lo ngại, tình trạng chờ xem xét hướng dẫn thực hiện với cơ chế đề xuất mới - cơ chế chuyển tiếp - dẫn đến các dự án của Công ty nói riêng và các dự án năng lượng tái tạo nói chung gặp phải những thách thức rất lớn về tài chính khi đã hoàn thành thi công xây dựng, nhưng chưa được ghi nhận sản lượng và doanh thu.

Chuyên đề