Cổ phiếu MML của Masan MEATLife đã bất ngờ quay đầu giảm (ảnh: MML) |
Doanh thu từ thịt đóng góp 8%
Trở lại với phiên đầu tuần (4/5), cổ phiếu MML của Masan MEATLife bất ngờ quay đầu giảm 1.700 đồng tương ứng 3,21% còn 51.200 đồng sau hai phiên tăng tốt vào tuần trước.
Công ty này vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu tăng 6% lên 3.397 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng doanh thu từ thịt khoảng hơn 8%, mang lại cho Masan MEATLife 278 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của MML lại tăng mạnh 57% tương ứng tăng gần 46 tỷ đồng do nhu cầu tăng vốn lưu động nhằm thực thi chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (trong đó chi phí bán hàng cũng tăng tới 31%) chủ yếu do chi phí hoạt động của ngành thịt.
Do vậy, kết quả, MML đạt 44 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm hơn 30% so với cùng kỳ và chỉ đạt 14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ghi nhận âm 31 tỷ đồng.
Trong bối cảnh giá thịt ở mức cao, mức lợi nhuận mà MML mang lại có thể khiến nhà đầu tư hụt hẫng.
Giao dịch yếu ớt, thị trường giảm điểm sau nghỉ lễ
Sau kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày, tâm lý nhà đầu tư vẫn vô cùng thận trọng. Các chỉ số hầu như diễn biến dưới đường tham chiếu.
Tạm đóng cửa phiên buổi sáng, VN-Index mất 1 điểm tương ứng 0,13% còn 768,11 điểm; HNX-Index mất 0,58 điểm tương ứng 0,54% còn 106,26 điểm còn UPCoM-Index cũng giảm 0,13 điểm tương ứng 0,25% còn 52,09 điểm.
Thanh khoản thấp với 171,49 triệu cổ phiếu tương ứng 2.055,3 tỷ đồng trên HSX và 22,93 triệu cổ phiếu tương ứng 172,47 tỷ đồng trên HNX. Trên sàn UPCoM có 6,51 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 70,52 tỷ đồng.
Trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã giảm đang chiếm ưu thế với 348 mã giảm giá, 35 mã giảm sàn trong khi phía tăng có 217 mã tăng và 39 mã tăng trần.
Chỉ số chính đang “trông cậy” vào một số mã vốn hoá lớn: VHM tăng 1.100 đồng lên 64.700 đồng/cổ phiếu, GAS tăng 1.200 đồng lên 64.600 đồng/cổ phiếu; VIC tăng lên 92.100 đồng; BID tăng lên 35.750 đồng, VRE cũng tăng lên 23.200 đồng.
Tuy nhiên, VHM đóng góp hơn 1 điểm cho VN-Index và đóng góp từ GAS, CTG, TCB cũng không thể giúp VN-Index đạt được trạng thái tăng giá trong khi phần lớn cổ phiếu ở trạng thái giảm. Có 17 mã giảm so với 11 mã tăng trong rổ VN30 khiến chỉ số của rổ này đánh mất 1,81 điểm tương ứng 0,25%. VNM giảm 1.200 đồng còn 97.800 đồng, SAB giảm 1.100 đồng còn 161.900 đồng, CTD, MSN, VJC, BVH, VCB… đều đang rớt giá.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chỉ số biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản vừa phải.
VDSC cho rằng, hiện tượng phân hóa tiếp tục diễn ra và dòng tiền có phần nghiêng về các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Do vậy, xu hướng hiện tại đang khá cân bằng nhưng có thể sẽ sớm bị phá vỡ sau kỳ nghỉ lễ.