Horace Greasley và một trại tù binh của Đức. Ảnh:War History. |
Horace Greasley, tù binh người Anh trong Thế chiến II, đã liên tục vượt ngục tới 200 lần, sau đó lén quay trở lại trại tù của phát xít Đức. Những cuộc trốn tù mạo hiểm này chỉ để Greasley có cơ hội gặp gỡ người yêu, một cô gái địa phương, theo War History.
Horace Greasley bị lính Đức bắt làm tù binh khi cùng Tiểu đoàn 2/5, Trung đoàn Leicestershire rút lui đến Dunkirk, Pháp vào tháng 5/1940. Greasley trải qua 10 tuần áp tải đến Bỉ, rồi lên tàu đến trại tù binh của Đức ở Silesia, Ba Lan. Rất nhiều đồng đội của Greasley đã chết trên hành trình do bị lính Đức đối xử tàn tệ.
Tại trại tù binh Silesia, Horace Greasley gặp cô gái 17 tuổi Rosa Rauchbach, con của một chủ mỏ đá gần trại. Do Rauchbach nói được tiếng Anh và làm phiên dịch cho quân Đức, họ có thể gặp gỡ, giao tiếp và ngay lập tức nảy sinh tình cảm, bất chấp việc này có thể khiến họ mất mạng.
Trong vòng vài tuần, cặp đôi liên tục gặp nhau một cách bí mật, ngay trước mũi lính gác. Nhưng chỉ một năm sau, Greasley bị chuyển đến trại tù Freiwaldau cách đó 64 km. Đây có thể là dấu chấm hết cho mối tình ngọt ngào, nhưng người lính Anh lại không nghĩ vậy. Greasley quyết tâm vượt trại tù để đến với người yêu.
Binh sĩ của Tiểu đoàn 2/5, nơi Greasley tham gia huấn luyện tân binh. Ảnh:Wikipedia.
"Một lính gác đi tuần liên tục quanh khu trại. Horace đã tính toán thời gian tên lính đi từ bên này sang bên kia. Một lính khác sẽ đi ngang qua tên kia, khi họ tách ra là lúc anh ấy nhảy qua cửa sổ", Brenda, vợ sau này của Horce Greasley, mô tả về phương thức vượt trại tù táo bạo của chồng.
Greasley gửi tin nhắn cho Rosa Rauchbach qua nhóm lao động ngoài trại, sau đó nhận thư trả lời của người yêu khi những người đó đi cắt tóc. Greasley là thợ cắt tóc trong trại do từng làm nghề này khi còn ở Anh, điều đó giúp anh rất nhiều trong việc liên lạc.
Ngay khi có cơ hội, Horace Greasley sẽ luồn dưới hàng rào dây thép gai và đi bộ hơn 32 km để đến điểm hẹn. Sau đó, anh lại đi bộ trở về trại tù binh, bởi việc vượt quãng đường hơn 600 km đến lãnh thổ trung lập Thụy Sĩ gần đó là điều vô cùng mạo hiểm.
Một thời gian sau, phát xít Đức bắt đầu thất thế trên chiến trường, khiến điều kiện sinh hoạt ở trại tù binh trở nên dễ chịu hơn, lính gác canh phòng cũng lỏng lẻo hơn.
"Thông qua Rosa, Horace biết được rằng quân Đồng minh đã giải phóng Pháp và phát xít Đức đang rút chạy. Cô ấy thường nhét thư vào trong các điếu thuốc lá. Mọi thứ trở nên dễ dàng, anh ấy được chuyển đến một trại khác thoải mái hơn và nằm cạnh một khu rừng. Đó là lúc Horace hay nhảy ra ngoài cửa sổ mỗi đêm để gặp cô ấy, sau khi đã bẻ cong các thanh sắt", Brenda kể.
Tình yêu của Greasley với Rosa Rauchbach không kết thúc có hậu, dù có lúc tưởng chừng họ sẽ đến được với nhau sau chiến tranh. Khi Đức bại trận, Greasley giúp Rosa nhận công việc phiên dịch viên cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, khi trở về quê nhà, Greasley nhận được tin Rauchbach đã qua đời khi sinh nở, dù anh không chắc đó có phải con mình hay không.
Đây là cái kết bi thảm của câu chuyện tình về người lính bất chấp nguy hiểm để gặp người yêu. Dù còn nhiều tranh cãi về những tình tiết xung quanh câu chuyện, đây vẫn là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu vượt qua mọi rào cản trong các tình huống khác thường nhất, sử gia Russell Hughes nhận định.