Ảnh minh họa |
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, những ngày qua, cơ quan chức năng của Đồng Nai và Lâm Đồng đã khảo sát thực tế việc khai thác cát trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Nam Cát Tiên và Đạ Tẻh (Lâm Đồng) với huyện Tân Phú (Đồng Nai).
Sau khảo sát, làm việc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai thống nhất sẽ ngưng tất cả các dự án khai thác cát tại các huyện trên trong vòng 3 tháng; kiên quyết thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp khai thác vi phạm.
Đoạn sông Đồng Nai giáp ranh giữa Lâm Đồng và Đồng Nai, có 15 dự án khai thác cát, trong đó có 13 dự án còn hoạt động.
Toàn bộ số dự án đang khai thác đều do tỉnh Lâm Đồng cấp phép, trong đó dự án còn thời hạn dài nhất đến năm 2021. Hai dự án đã ngưng hoạt động thuộc địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai).
Doanh nghiệp sau khi được cấp phép đã tiến hành để hút cát cả ngày lẫn đêm với khối lượng lớn, khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể kiểm soát được việc chấp hành các nội dung cam kết theo giấy phép, nhất là vấn đề công suất khai thác thực tế so với giấy phép được cấp.
Việc cấp phép khai thác cát chia nửa con sông theo địa giới hành chính như thời gian qua gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Nhiều trường hợp doanh nghiệp được cấp phép ở tỉnh này nhưng để vòi hút qua địa phận tỉnh kia để lấy cát.
Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có cách để quản lý công suất khai thác của doanh nghiệp; tình trạng doanh nghiệp tự ý nâng công suất, cơ quan thực thi công vụ vẫn không thể giám sát được.
Theo ông Võ Văn Chánh, sau khi thống nhất tạm ngưng khai thác cát, Đồng Nai và Lâm Đồng sẽ đánh giá lại trữ lượng cát trên sông Đồng Nai tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh; xem xét việc chấp hành các quy định trong khai thác cát của doanh nghiệp.
Mục tiêu của Đồng Nai và Lâm Đồng là chấm dứt tình trạng khai thác cát tràn lan, gây sạt lở bờ sông, bức xúc trong dư luận.