Nghi ngại khi một nhà đầu tư “ôm” nhiều dự án PPP

(BĐT) - Thực tế cho thấy, một số nhà đầu tư đang tham gia dự thầu cùng lúc nhiều dự án PPP và có khả năng trở thành nhà đầu tư của các dự án này...
Nếu tham gia cùng lúc nhiều dự án PPP, nhà đầu tư cần có phương án tài chính riêng cho từng dự án PPP độc lập. Ảnh: Nam Hoài
Nếu tham gia cùng lúc nhiều dự án PPP, nhà đầu tư cần có phương án tài chính riêng cho từng dự án PPP độc lập. Ảnh: Nam Hoài

Với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án và thời gian thực hiện dự án gần như đồng thời, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế rủi ro khi nhà đầu tư phải san sẻ tài chính để thực hiện cùng lúc nhiều dự án lớn?

Cùng lúc “sở hữu” nhiều dự án nghìn tỷ

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) là nhà đầu tư duy nhất vừa trúng sơ tuyển một loạt 9 dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. 9 dự án này đều thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên. Và các dự án này đều do Ban Quản lý dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên làm bên mời thầu.

Tương tự, tại Thái Bình, liên danh Công ty Quảng Lợi - Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng - Công ty CP Xuất nhập khẩu miền Bắc - Công ty CP Kết cấu K2T - Công ty CP 27-7 Thanh Xuân cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất tham gia và vượt qua sơ tuyển 2 dự án nghìn tỷ. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ Quốc lộ 10 đến sông Trà Lý và cầu vượt sông Trà Lý theo hợp đồng BOT và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ sông Trà Lý đến đường Thái Bình - Hà Nam theo hợp đồng BT. Tổng mức đầu tư dự kiến của mỗi dự án khoảng 1.500 tỷ đồng và thời gian thực hiện đều dự kiến là 5 năm, từ 2016 - 2020.

Vấn đề tương tự đặt ra là năng lực của liên danh này có thể phù hợp với từng dự án 1.500 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện đồng thời cả 2 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 3.000 tỷ đồng, thì năng lực tài chính liệu có còn bảo đảm?!           

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, làm thế nào để đảm bảo kiểm soát được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính thực hiện đồng thời nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng? Thực tế, 1 dự án lớn có thể được tách thành 2 dự án nhỏ hơn, và sau khi chia tách thì 1 nhà đầu tư sẽ có khả năng trúng cả 2 dự án này. Câu chuyện tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2 đang khiến dư luận nghi ngại.

Yêu cầu nộp lại năng lực tài chính

Nhà đầu tư nếu tham gia cùng lúc nhiều dự án PPP, thì trong HSDT phải kê khai toàn bộ các dự án đang thực hiện, có kiểm toán, bút toán đến thời điểm dự thầu, nếu không còn đủ năng lực tài chính sẽ bị loại.
Theo một chuyên gia hàng đầu về PPP, từng dự án độc lập có phương án tài chính riêng, nhà đầu tư phải đáp ứng về năng lực tài chính cho dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư tham gia cùng lúc nhiều dự án PPP, trong HSDT phải kê khai ra hết các dự án đang thực hiện, có kiểm toán, bút toán đến thời điểm dự thầu, nếu không còn đủ năng lực tài chính sẽ bị loại. Đối với nhà đầu tư, với mỗi dự án độc lập, thì phải có năng lực tài chính độc lập với tất cả các dự án khác.

Trường hợp nhà đầu tư tham gia đồng thời 2 hay nhiều dự án, cần đưa thêm điều kiện vào hồ sơ mời sơ tuyển và HSMT là tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư, phải có xác nhận của kiểm toán, phải liệt kê ra những dự án đang đầu tư; nếu kê khai sai, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngoài ra, tại thời điểm ký hợp đồng cần yêu cầu nhà đầu tư nộp lại năng lực tài chính. Trường hợp này đã từng xảy ra tại một số dự án của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Sau khi đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, đến lúc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Bộ này mới phát hiện nhà đầu tư còn phát sinh thêm mấy dự án khác vừa trúng thầu.

Trước lo ngại về năng lực tài chính của nhà đầu tư cho dự án đang xét thầu có thể sẽ bị giảm, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư phải nộp lại năng lực tài chính.

Đặc biệt, đối với dự án PPP, không chỉ đối thoại giữa Nhà nước và nhà đầu tư mà còn bên thứ 3 nữa, đó là bên cho vay. Nếu bên cho vay là ngân hàng thương mại thực sự thì sẽ đánh giá tài chính của nhà đầu tư rất kỹ, vì ngân hàng góp tới 80 - 85% vốn đầu tư dự án. Ngân hàng hiểu hơn Nhà nước là nhà đầu tư này có tiền thực hay không? Nhà đầu tư có thể lách qua Nhà nước, nhưng nếu ngân hàng cho vay thực sự thì khó lách qua được, công cụ kiểm soát của ngân hàng chắc chắn sẽ mạnh hơn của Nhà nước rất nhiều.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, giữa thực tiễn và quy định vẫn còn khoảng cách, nhất là khi mà nhiều ngân hàng cho vay còn theo “mệnh lệnh” không thẩm định kỹ dự án.

Thông tư số 15/2016/TT-BKH ngày 29/9/2016 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP đã quy định rõ: Trường hợp tại cùng một thời điểm, nhà đầu tư tham gia nhiều dự án thì phải đảm bảo tổng số vốn chủ sở hữu đáp ứng đủ cho toàn bộ số vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết thực hiện cho tất cả các dự án theo quy định.

Với quy định chặt chẽ để đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư, nếu thực hiện đúng có thể sẽ hạn chế rủi ro khi nhà đầu tư tham gia cùng lúc nhiều dự án lớn.

Chuyên đề