Ngành nào được đề xuất vào Luật Công nghiệp trọng điểm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm (CNTĐ) vừa được Bộ Công Thương công bố có nội dung quy định về các ngành CNTĐ. Theo đó, các phân ngành gồm: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp vật liệu, luyện kim; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp thực phẩm và sinh học được đề xuất thuộc CNTĐ.
Phân ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành ô tô, dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử… được đề xuất trong nhóm ngành công nghiệp trọng điểm. Ảnh: Tuấn Anh
Phân ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành ô tô, dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử… được đề xuất trong nhóm ngành công nghiệp trọng điểm. Ảnh: Tuấn Anh

Bên cạnh đó là các ngành công nghiệp khác do Chính phủ ban hành tại Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CNTĐ dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Theo Bộ Công Thương, Luật CNTĐ nhằm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghiệp đất nước trong bối cảnh ngành CNTĐ Việt Nam hiện có nhiều điểm hạn chế, bất cập. Bất cập nhất là năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền sản xuất trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương phân tích, CNTĐ trong nước vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu như: dệt may, da giày, lắp ráp điện tử... tăng trưởng nhanh, nhưng chủ yếu nhờ vào sử dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu.

Để thay đổi hiện trạng trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành Luật CNĐT là vô cùng cấp bách, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, đồng thời hóa giải điểm nghẽn trong phát triển ngành.

Tại Dự thảo Luật, Bộ Công Thương đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt, “vượt trội” cho các dự án CNTĐ. Cụ thể, đề cập về nội dung ưu đãi đặc biệt cho các dự án CNTĐ, Điều 18 Dự thảo Luật quy định các ưu đãi cao hơn so với mức ưu đãi đầu tư dành cho các ngành, nghề, đặc biệt ưu đãi đầu tư về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước; được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Đối với nội dung hỗ trợ đầu tư, dự kiến sẽ dùng ngân sách nhà nước trực tiếp hỗ trợ kinh phí đầu tư cho doanh nghiệp; hoặc trợ cấp chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong thời hạn nhất định...

Để phát triển thị trường cho CNTĐ trong nước, Điều 30 Dự thảo Luật quy định, khi tiến hành mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, các cơ quan, đơn vị quy định phải sử dụng sản phẩm công nghiệp trong nước đã sản xuất được.

Với hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, xây lắp trong các dự án đầu tư, Dự thảo Luật quy định phải sử dụng sản phẩm công nghiệp trong nước đã sản xuất được.

Chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế trong trường hợp các sản phẩm cung cấp cho gói thầu công nghiệp trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ...

Góp ý nội dung Dự thảo Luật, nhiều bộ ngành đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp với các quy định hiện hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Luật Đầu tư năm 2020 đã có những quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Để tăng cường thu hút dự án đầu tư lớn, đổi mới sáng tạo, có tác động lan tỏa, khuyến khích hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế. Vì thế, Bộ KH&ĐT đề nghị cơ quan xây dựng Luật cần rà soát kỹ các quy định để tránh mâu thuẫn với Luật Đầu tư.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương bỏ các quy định tại Điều 30 Dự thảo Luật, bởi các nội dung này đã được đề cập tại Luật Đấu thầu 2023 để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhiều nội dung tại Dự thảo Luật còn chung chung, chưa thực sự phù hợp với tên, phạm vi điều chỉnh của Luật CNTĐ. Với quy định tại Điều 40 Dự thảo Luật về Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp, Bộ KH&CN đề nghị cần cân nhắc, rà soát để bảo đảm không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành (Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT) và phù hợp với Nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Về việc lựa chọn các ngành CNTĐ, Bộ Tài chính cho rằng, cần làm rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết có quy định với các nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao để tránh chồng chéo giữa Dự thảo luật này và Luật Công nghệ cao. Một số nội dung ưu đãi về tài chính, tín dụng, đất đai, ngân sách tại Dự thảo Luật, Bộ Tài chính cho rằng cần bỏ, để tránh chồng chéo, trùng lặp với các quy định hiện hành.

Chuyên đề