Ngân hàng với cuộc chơi trái phiếu rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
Nếu như ở các nước phát triển, việc tách bạch hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư là thật sự cần thiết, nhằm hạn chế rủi ro cho thị trường tài chính, thì Việt Nam hiện nay chưa có một quy định rõ ràng.
Việc phải bao tiêu số TPDN phát hành không phân phối hết đã góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng lên, do theo quy định TPDN được tính vào dư nợ tín dụng. Khi đó, ngân hàng từ vai trò tư vấn phát hành lại trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư bất đắc dĩ, tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Việc phải bao tiêu số TPDN phát hành không phân phối hết đã góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng lên, do theo quy định TPDN được tính vào dư nợ tín dụng. Khi đó, ngân hàng từ vai trò tư vấn phát hành lại trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư bất đắc dĩ, tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Những khoản phí khổng lồ

168.702 tỉ đồng là giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được phát hành riêng lẻ trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu công bố từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính). Như vậy, sau khi có dấu hiệu chậm lại trong những tháng cuối năm 2020, do bị thắt chặt bởi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu tháng 9-2020, hoạt động phát hành TPDN đã bất ngờ sôi động trở lại từ đầu năm đến nay.

Trong bối cảnh nguồn vốn trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn ít nhiều bị hạn chế, các điều kiện vay vốn của ngân hàng khá chặt chẽ trong tình hình nền kinh tế đầy rủi ro như hiện nay, việc các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn tài trợ dài hạn qua kênh phát hành TPDN là có thể hiểu được.

So với giai đoạn trước, thị trường TPDN đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều trong ba năm trở lại đây, nhờ vào sự giúp sức của các ngân hàng thương mại (NHTM) lẫn các công ty chứng khoán (CTCK). Dĩ nhiên đi cùng với việc TPDN đã đắt hàng hơn, doanh nghiệp phải chịu chi phí phát hành cao hơn khi thông qua trung gian là các tổ chức này, vốn không chỉ đảm nhận vai trò tư vấn, bảo lãnh phát hành, mà còn chịu trách nhiệm phân phối và tìm người mua.

Với vai trò là trung gian phân phối, các định chế tài chính này thường mua sỉ lượng TPDN phát hành từ doanh nghiệp, sau đó bán lẻ lại cho các khách hàng cá nhân và ăn hoa hồng ở giữa. Một lợi ích khác ở phía ngân hàng là khi thu xếp bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng đặt ra các điều kiện về tài sản thế chấp, kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp thông qua một tài khoản nhất định mở tại ngân hàng bảo lãnh phát hành.

Tuy nhiên, với trách nhiệm bảo lãnh phát hành, các ngân hàng cũng phải bao tiêu toàn bộ lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp, tức phải mua số trái phiếu còn lại chưa phân phối hết. Đây là một trong những rủi ro của nghiệp vụ này mà ngân hàng phải đối mặt, nếu trót bảo lãnh cho những doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn với các dự án thiếu hiệu quả và không bán hết được. Đáng nói là trong nhiều trường hợp các tổ chức bảo lãnh vì những khoản phí khổng lồ, sẵn sàng chấp nhận làm ngơ để hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém phát hành trái phiếu rồi tìm cách phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Về phần mình, những khách hàng gửi tiền tại ngân hàng và những nhà đầu tư cá nhân vì tin tưởng vào thương hiệu, uy tín của các tổ chức bảo lãnh nên rót tiền đầu tư vào những TPDN này, với niềm tin rằng các trái phiếu này đã được ngân hàng, CTCK thẩm định kỹ càng, và không ít người còn có niềm tin sai lầm rằng nếu có rủi ro xảy ra, các tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ gánh chịu.

Rủi ro ai gánh?

Thực tế trong trường hợp người mua trái phiếu muốn rút tiền trước hạn, ngân hàng có thể hỗ trợ chi trả, và người nắm giữ trái phiếu phải chấp nhận giảm một phần lãi suất so với lãi suất của trái phiếu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản, mất khả năng chi trả, những nhà đầu tư đã mua trái phiếu của doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn rủi ro và khi đó không loại trừ khả năng sẽ quay lại trách cứ ngân hàng. Nói cách khác, các ngân hàng cũng đang đánh đổi những khoản phí khổng lồ trong hiện tại bằng nguy cơ tổn hại thương hiệu và uy tín của mình trong tương lai.

Cũng chính vì sự mập mờ thông tin khi tư vấn cho khách hàng, các cơ quan quản lý đã nhiều lần cảnh báo rủi ro của thị trường TPDN, nhất là khi nhiều nhà đầu tư cá nhân không phân biệt được thế nào là phát hành TPDN ra công chúng (chặt chẽ hơn) và phát hành TPDN riêng lẻ (dễ dàng hơn). Và Nghị định 81 ra đời cách đây gần một năm với quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ, là nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Dù khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng sáu tháng đầu năm nay là 15.375 tỉ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành loại trái phiếu này của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành, cho thấy bước đầu đã có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng so với trước, nhưng mới đây Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như ngân hàng, CTCK khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Trong khi việc chào mời khách hàng (định gửi) tiết kiệm mua trái phiếu có lẽ đã khiến tăng trưởng huy động vốn khách hàng cá nhân tại các ngân hàng có dấu hiệu chậm lại trong thời gian qua, thì ngược lại việc phải bao tiêu số TPDN phát hành không phân phối hết đã góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng lên, do theo quy định TPDN được tính vào dư nợ tín dụng. Khi đó, ngân hàng từ vai trò tư vấn phát hành lại trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư bất đắc dĩ.

Liên hệ với diễn biến nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đã suy yếu trong hơn một năm qua, nhưng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn tích cực và luôn đề xuất được nới thêm room tín dụng, phải chăng là để các ngân hàng có thêm dư địa tiếp tục bảo lãnh phát hành TPDN?

Nhưng cần lưu ý rằng với việc nền kinh tế nói chung và hoạt động doanh nghiệp nói riêng đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong khi các khoản đầu tư vào TPDN thường có kỳ hạn dài, sự bùng nổ của kênh đầu tư này trong thời gian qua đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, không chỉ cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào mà còn cho chính các tổ chức đã trót bao tiêu và ôm “một bụng” TPDN khá lớn, trong khi chưa đẩy đi hết mà vẫn tham lam tiếp tục ôm vào với suy nghĩ sẽ vẫn có thể tiếp tục phân phối lại cho các nhà đầu tư khác trong tương lai.

Sớm phân định rõ ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại

Nếu như ở các nước phát triển, việc tách bạch hoạt động của NHTM và ngân hàng đầu tư là thật sự cần thiết, nhằm hạn chế rủi ro cho thị trường tài chính, thì Việt Nam hiện nay chưa có một quy định rõ ràng. Về cơ bản, sự khác biệt giữa hai loại hình này là NHTM nhận tiền gửi trực tiếp từ khách hàng, sau đó cho vay lại, còn ngân hàng đầu tư huy động vốn bằng cách phát hành chứng khoán rồi sau đó lại mua chính chứng khoán mà doanh nghiệp phát hành hoặc giúp doanh nghiệp phát hành chứng khoán cho các tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh một số CTCK có thiên hướng hoạt động như một ngân hàng đầu tư, nhìn vào hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua, chúng ta có thể thấy các tổ chức này ngoài các nghiệp vụ NHTM thông thường, ngày càng lấn sân sâu hơn vào nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, thể hiện qua việc phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn rồi sau đó trực tiếp hoặc kết hợp với công ty con là các CTCK tư vấn, bảo lãnh phát hành TPDN, sau đó đẩy rủi ro của những TPDN này về cho các nhà đầu tư khác hoặc thậm chí trực tiếp đầu tư nếu không phân phối hết.

Trong tác phẩm Tiền chùa, luật sư người Mỹ Louis Brande từng chỉ trích các ngân hàng đầu tư khổng lồ trước đây của Mỹ rằng phần lớn hoa hồng bảo lãnh phát hành của các ngân hàng này hoàn toàn không nhằm chi cho dịch vụ bán trái phiếu, hay cho việc chấp nhận rủi ro, mà chỉ là cho việc tìm người khác bán trái phiếu và chịu rủi ro giúp họ. Ông cũng cho rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đa số trong nhóm người mua chứng khoán là vì phụ thuộc vào các thông tin thu nhặt được từ ngân hàng để đánh giá chất lượng chứng khoán và họ tin vào mối quan hệ giữa mình và ngân hàng bảo lãnh phát hành.

Mức phí bảo lãnh dĩ nhiên sẽ càng cao hơn đối với các trái phiếu chất lượng kém, nhưng khi đó các ngân hàng lại càng có động cơ để xúi giục các nhà đầu tư mua vào nhằm tránh gánh hết rủi ro về phía mình nếu không bán hết. Chính vì vậy, vị tác giả này cũng kêu gọi nên công khai mức phí bảo lãnh phát hành, để nhà đầu tư có thêm cơ sở đánh giá mức độ an toàn của trái phiếu, theo đó mức phí càng cao nghĩa là rủi ro của trái phiếu đó càng lớn, nhà đầu tư có thể e ngại mua và tổ chức phát hành sẽ phải ôm trọn, khi đó các tổ chức này sẽ buộc phải có trách nhiệm hơn với các khoản bảo lãnh phát hành của mình.

Chuyên đề