Khoảng cách giữa tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại quy mô lớn nhất Việt Nam và mức tối thiểu của ngân hàng tầm khu vực là không nhỏ |
Quy mô ngân hàng nội
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 779.483 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 56.110 tỷ đồng; vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng. Sau khi sáp nhập thành công PGBank, VietinBank dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 64.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 49.209 tỷ đồng.
Đối với Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc cho biết, tính đến 31/12/2015, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 674.395 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 45.172 tỷ đồng; vốn điều lệ là hơn 26.659 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi phát hành thành công cổ phiếu thưởng và cổ phiếu riêng lẻ (cụ thể, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu, số vốn điều lệ tăng thêm bằng việc phát hành này sẽ là hơn 9.327 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán, vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 3.597 tỷ đồng), mức vốn điều lệ mới của Vietcombank sẽ là hơn 39.575 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 7/2015, bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Ngân hàng trong cuộc gặp mặt nhà đầu tư tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho biết, Vietcombank đặt mục tiêu sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 4,5 tỷ USD vào năm 2020 từ mức gần 2 tỷ USD hiện nay.
Tại BIDV, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng chia sẻ, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của BIDV đạt 850.670 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 42.335 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 34.187 tỷ đồng.
Trong năm 2016, BIDV dự kiến gia tăng vốn điều lệ từ ba nguồn: phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài; phát hành trái phiếu chuyển đổi; phát hành cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị dự kiến phát hành là 9.446 tỷ đồng. Theo đó, sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng.
Trên đây là thông tin của các ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường nội địa. Theo các chuyên gia kinh tế, ngân hàng tầm cỡ khu vực hiện có tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD. Trong khi đó, các số liệu trên cho thấy, ngân hàng TMCP Việt Nam lớn nhất cũng chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 3 tỷ USD, tổng tài sản khoảng gần 40 tỷ USD. Một khoảng cách không nhỏ với mức tối thiểu của ngân hàng tầm cấp khu vực.
VietinBank dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 64.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 49.209 tỷ đồng.
Tăng vốn, cách nào?
Theo nghiên cứu của BIDV vừa được công bố, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tại Việt Nam đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam nêu quan điểm, nếu không có tiền mặt từ bên ngoài, việc tăng vốn của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thể xem xét tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi vấn đề có thể xảy ra.
Tuy nhiên, theo phân tích của BIDV, chưa bàn đến việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, bản thân việc tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu, thu hút thêm nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là giải pháp không dễ thực hiện ngay trong ngắn hạn. Sự thành công của giải pháp còn phụ thuộc vào 2 yếu tố là mức độ quan tâm của nhà đầu tư và điều kiện thị trường.
“Hiện nay, cả 2 yếu tố là mức độ quan tâm của nhà đầu tư và điều kiện thị trường đều không thuận lợi cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Đối với yếu tố thứ nhất, tâm lý chung của hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá việc đầu tư vào các ngân hàng này là khá rủi ro, do năng lực tài chính hạn chế. Đối với yếu tố thị trường, hiện nay nguồn vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán chưa thực sự tốt, việc thu hút nguồn vốn từ nước ngoài cũng khó khăn do xu hướng chung là dòng vốn đầu tư quốc tế đang trở lại Mỹ. Ngay cả khi lựa chọn được nhà đầu tư để tăng vốn thì các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn còn gặp phải nhiều rào cản”, nghiên cứu của BIDV nhấn mạnh.
Đặc biệt, tăng vốn từ nguồn bổ sung Ngân sách Nhà nước là giải pháp cơ bản nhất, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay theo kinh nghiệm các nước trên thế giới và cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cam kết xem xét để thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân cơ bản là điều kiện ngân sách hiện nay đang eo hẹp.
Trong bối cảnh các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay, việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp khả thi nhất cho các ngân hàng. Tuy nhiên, giải pháp này đang gặp vướng mắc từ cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Tài chính (Thông tư 61/2016/TT-BTC yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về Ngân sách Nhà nước). Theo nguyên lý, cổ đông chỉ thực hiện rút toàn bộ cổ tức về khi doanh nghiệp không còn khả năng phát triển, mở rộng thêm nữa.
“Bộ Tài chính đang thực hiện vai trò cổ đông không thực sự chuyên nghiệp khi rút cổ tức về để cân đối Ngân sách; một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ chỉ rút cổ tức về khi có cơ hội đầu tư ở những dự án/doanh nghiệp khác tốt hơn. Ở khía cạnh khác, dường như các ngân hàng thương mại nhà nước ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ vốn đã rất nặng nề đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa”, báo cáo của BIDV cho biết.
Trong khi đó, định hướng chính sách trong Đề án 254 tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Chính phủ khi xác định mục tiêu tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước đã thể hiện rõ: “tăng vốn để bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel II thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung và nguồn vốn từ Chính phủ”.