Ngân hàng và nỗi lo “thủng két”

Không ít vụ án, ngân hàng bị “thụt két” nhiều tỷ đồng từ chính “người nhà”. Nỗi lo bị “thủng két” từ lâu nay đã không còn là vấn đề của riêng ngân hàng nào.
Chất lượng nhân sự luôn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng
Chất lượng nhân sự luôn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng

Bên cạnh rủi ro về thị trường như thanh khoản, lãi suất, tỷ giá..., nhà băng còn phải đối diện với rủi ro về hoạt động. Loại rủi ro này có thể xảy ra do quy trình hoạt động của hệ thống nội bộ bị lỗi, hoặc từ chính cán bộ ngân hàng. Lập hồ sơ giả, lợi dụng sơ hở để biển thủ tiền của ngân hàng… là các mánh khóe mà các đối tượng thường sử dụng.

Đối tượng vi phạm đương nhiên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, song hậu quả của những hành vi phạm pháp đó lại gây nhiểu tổn hại cho ngân hàng. Nhiều tỷ đồng bị “bốc hơi”, qua đó góp phần làm tăng nợ xấu, và quan trọng hơn, hình ảnh của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Đầu tháng 3/2016, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại một ngân hàng thương mại.
 

Theo tài liệu tố tụng, mặc dù chỉ là thủ quỹ của phòng giao dịch, bị cáo Trần Thị Thu (sinh năm 1989, tại phường Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) “thụt két” ngân hàng số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng, 20.000 USD và 74 cây vàng hiệu SJC.

Nguyên cớ bắt đầu từ việc đầu năm 2013, Trần Thị Thu vay nợ số tiền 500 triệu đồng. Đến hẹn trả nợ, do không có tiền thanh toán, nữ thủ quỹ này nghĩ cách “mượn tạm” tiền nhà băng để trả nợ.

Nghĩ là làm, cuối giờ làm việc ngày 12/9/2013, Thu lén lấy 2 tỷ đồng trong két sắt, giấu trong thùng các-tông rồi gọi điện cho bạn trai đến mang về nhà. Tuy nhiên, kế hoạch mờ ám này vỡ lở. Số tiền trên bị chủ nợ thu giữ, còn Trần Thị Thu bị ép phải viết giấy nhận nợ từ 500 triệu đồng lên thành 1,9 tỷ đồng.

Quá trình điều tra còn hé lộ các phi vụ “động trời” khác của nữ thủ quỹ 27 tuổi. Theo lời khai, cách vụ việc trên khoảng 1 tháng trước đó, cô ta đã lấy đi 3 tỷ đồng của ngân hàng. Để bù lại số tiền trên, Trần Thị Thu nghĩ cách tiếp tục “mượn tạm” 2 tỷ đồng. Đối với số tiền 3 tỷ đồng, Thu tiết lộ, đã tuồn ra ngoài cho một số người vay lấy lãi (3.000 đồng/triệu/ngày).

Lao vào vòng xoáy “tín dụng đen”, cũng vào những tháng giữa năm 2013, Thu còn biển thủ 74 cây vàng và 20.000 USD của nhà băng đem bán. Trước đó, nữ thủ quỹ còn 2 lần “rút ruột” tổng cộng 9 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, Trần Thị Thu thừa nhận đẩy vào thị trường “tín dụng đen” để lấy lãi cao. Nhưng do các đầu nậu “bùng tiền”, nên bị can không còn khả năng thanh toán.

Cũng với chiêu thức trên nhưng tinh vi hơn, Hồ Thị Thu Hương (sinh năm 1981, tại Bình Định, cựu thủ kho) đã lấy tiền ngân hàng trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Cựu thủ kho ngân hàng đã nghĩ ra cách bỏ tiền vào sọt rác, chờ hết giờ làm việc vờ mang giỏ rác đi đổ, rồi nghiễm nhiên lấy tiền về nhà tiêu xài.

Cơ quan điều tra làm rõ, từ năm 2010 đến tháng 1/2013, trung bình mỗi tháng Hương “rút ruột” ngân hàng hơn 900 triệu đồng. Đến khi bị phát hiện, cựu thủ kho đã lấy trót lọt tổng cộng hơn 31,3 tỷ đồng.

Những vụ án trên không phải là trường hợp hiếm gặp trong giới tội phạm ngân hàng. Năm 2014, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt một nhân viên ngân hàng tham ô tài sản để đánh bạc với số tiền lớn.

Đó là bị cáo Đỗ Anh Tú (sinh năm 1982, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội), nguyên là giao dịch viên quỹ tiết kiệm. Lợi dụng quyền hạn được giao, trong khoảng thời gian năm 2011-2012, Tú đã chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của ngân hàng bằng thủ đoạn lấy phôi sổ tiết kiệm hỏng có chữ ký của người có thẩm quyền và dấu để sử dụng cho mục đích rút tiền. Số tiền chiếm đoạt, cựu nhân viên ngân hàng “nướng” tất cả vào lô đề, cá độ bóng đá.

Khi vụ án này bị phanh phui, cơ quan điều tra còn làm rõ 2 đối tượng khác cũng là nhân viên ngân hàng dính dáng đến cờ bạc.

Những vụ án xảy ra liên tiếp như trên là những hồi chuông cảnh tỉnh đối với ngân hàng về vấn đề đào tạo, quản lý nhân sự.

Chuyên đề