Ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp­­ có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ước tính, khoảng 77,4 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn sẽ bị chậm thanh toán vào cuối năm nay, điều này có thể để lại nhiều hệ lụy đáng ngại cho nền kinh tế. Do đó, đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại mua lại “có chọn lọc” trái phiếu doanh nghiệp được coi là giải pháp tình thế có thể xem xét với những quy định thật chặt chẽ.
Việc đề xuất cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là giải pháp tình thế trong bối cảnh gánh nặng nợ trái phiếu doanh nghiệp rất lớn. Ảnh: Hoàng Giang
Việc đề xuất cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là giải pháp tình thế trong bối cảnh gánh nặng nợ trái phiếu doanh nghiệp rất lớn. Ảnh: Hoàng Giang

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban IV) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, một trong các đề xuất để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay được Ban IV nêu là, cho phép ngân hàng thương mại trong nước mua lại trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.

Đây là đề xuất đáng chú ý trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu đúng hạn. Đến đầu tháng 5/2023, theo thống kê của Fiin Ratings, có 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Theo Công ty Chứng khoán HSC, đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp phát hành đã chậm thanh toán, có 110 doanh nghiệp phát hành có nguy cơ chậm thanh toán. Trong kịch bản cơ sở của HSC, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay.

Đánh giá về đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp, TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đề xuất này là giải pháp tình thế để đẩy những vấn đề của trái phiếu doanh nghiệp về tương lai bằng cách chuyển rủi ro từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu sang cho ngân hàng.

Nếu thực hiện việc này, có một số vấn đề đặt ra với ngân hàng. Trước hết, phần lớn các trái phiếu doanh nghiệp sắp đến hạn là “không có tài sản đảm bảo” và rủi ro không trả được nợ đúng hạn rất cao, nên đây chính là những khoản “nợ xấu” của ngân hàng, vậy ngân hàng trích lập dự phòng như thế nào?

Hơn nữa, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, khi bỏ ra một khoản tiền để mua các loại trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng như vậy thì được lợi gì?

Do đó, theo ông Linh, hầu như không có ngân hàng nào muốn mua lại những trái phiếu này. Tuy nhiên, trong trường hợp đây là chủ trương lớn của Chính phủ và đòi hỏi sự chung tay của các bên thì có thể thực hiện bằng cách cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Đồng thời, các loại trái phiếu này được xem là một loại giấy tờ có giá để ngân hàng vay qua “cửa sổ” tái chiết khấu, tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước nếu rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp không có khả năng mua lại trái phiếu của chính mình phát hành và không có khả năng được cấp tín dụng để đảo nợ trái phiếu. Như vậy, nếu đến hạn mà không trả được nợ cho trái chủ thì nhiều hệ lụy đáng ngại với cả lĩnh vực bất động sản (phần lớn trái phiếu chậm trả nợ là do doanh nghiệp bất động sản phát hành) và cả nền kinh tế. Do đó, việc đề xuất cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là giải pháp tình thế để ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nên có thể xem xét thực hiện.

Tuy nhiên, phần lớn các trái phiếu doanh nghiệp này đều không có tài sản đảm bảo và triển vọng phương án kinh doanh nhiều rủi ro, do đó, mua lại khối trái phiếu này đồng nghĩa với ôm một khối nợ xấu và hẳn là các ngân hàng không muốn mua, trừ ngân hàng “sân sau” của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Từ phân tích đó, ông Huân cho rằng, có thể cân nhắc thực hiện theo hai cách. Một là, cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp một cách “có chọn lọc”, tức là đặt ra các tiêu chí nhất định đối với trái phiếu được mua, chẳng hạn là có tài sản đảm bảo hoặc có phương án kinh doanh khả thi. Các tiêu chí này cần phải rõ ràng và chặt chẽ để ngăn tình trạng ngân hàng mua lại “vô tội vạ” tài sản xấu của doanh nghiệp “sân sau”. Đồng thời, cho phép các ngân hàng được thế chấp trái phiếu này trên thị trường tái chiết khấu, thị trường tái cấp vốn để vay vốn khi rơi vào tình trạng kém thanh khoản.

Hai là, Chính phủ có thể cân nhắc mua lại các trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo với các quy định cụ thể và chấp nhận “ngâm” 5 đến 10 năm chờ thị trường hồi phục trở lại. Đây cũng là cách để cung ứng vốn ra thị trường và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp. Cách mua lại tài sản “độc hại” này đã được Chính phủ Mỹ áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008, sau đó, khi thị trường hồi phục và có thanh khoản trở lại, Chính phủ Mỹ bán ra và cũng thu được lợi nhuận.

“Dù vậy, cách làm này chỉ giải quyết được một phần vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường vẫn sẽ phải chấp nhận những mất mát, tổn thất nhất định. Đây cũng là bài học cho nhà đầu tư và các cơ quan làm chính sách trong việc xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Huân nhấn mạnh.

Chuyên đề