Tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2021 tiếp tục cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Nhã Chi |
Các con số lợi nhuận trong quý II năm nay của nhiều ngân hàng cho thấy kết quả kinh doanh tích cực của ngành này, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.952 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm tăng hơn 35% lên khoảng 14.800 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Với một số ngân hàng khác, Nhóm nghiên cứu của SSI Research ước tính, lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự kiến tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ 2020.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cho thấy, trong quý II/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19. Có 67,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III/2021 và 73,3% TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021.
Trả lời báo chí về con số lợi nhuận tích cực của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân như: việc củng cố và nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động, tăng tỷ lệ nguồn thu từ dịch vụ…
Đáng chú ý, theo ông Hùng, một năm thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ đã giúp các TCTD tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên giảm được chi phí. Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh. Hơn nữa, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng được củng cố từ nhiều yếu tố, trong đó có cả biên lợi nhuận cao nhờ lãi suất huy động thấp và lãi suất cho vay vẫn khá cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các nhà băng vừa có phần thật vừa có cả phần ảo do chưa trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định, ngân hàng đang được hoãn việc này và sẽ thực hiện trích lập theo lộ trình 2 năm. Do đó, các con số lợi nhuận vẫn chỉ trên sổ sách. Mặt khác, diễn biến dịch bệnh từ nay đến cuối năm rất khó lường, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn nên kết quả kinh doanh cả năm của ngành ngân hàng vẫn còn là một “ẩn số”.
Ở khía cạnh khác, hưởng ứng chủ trương của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Theo ông Hùng, việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ của ngành ngân hàng đối với những khó khăn của doanh nghiệp. Các ngân hàng đã thống nhất, việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức giảm phù hợp, thời gian giảm lãi suất thực hiện từ tháng 7 cho đến hết năm 2021.
TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, với việc còn nhiều băn khoăn về triển vọng kinh doanh và con số lợi nhuận thực tế trong thời gian tới, các ngân hàng có thể sẽ tìm cách giải ngân những khoản vay giảm lãi suất một cách “cầm chừng”.