Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Nga tuyên bố hợp tác về hợp tác sản lượng giữa nước này với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tiếp tục. Ngoài ra, giá năng lượng cũng tiếp tục được hỗ trợ bởi hy vọng Mỹ-Trung sớm ký kết thỏa thuận thương mại.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,81 USD/thùng, tương đương tăng 1,22%, đạt 67,2 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu Brent trong 3 tháng.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,59 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 61,11 USD/thùng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói Moscow và OPEC sẽ tiếp tục hợp tác miễn là sự hợp tác giữa hai bên mang lại hiệu quả tích cực.
Tháng 11 vừa qua, OPEC và đồng minh ngoài khối trong đó có Nga, tức nhóm OPEC+, nhất trí tăng mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu từ 1,2 triệu thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày. Thậm chí, Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, còn tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức được phân bổ.
Nếu các nước trong OPEC+ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận nói trên, sản lượng khai thác dầu của nhóm sẽ giảm 2,1 triệu thùng/ngày, tương đương 2% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, nhà phân tích Bjornar Tonhaugen - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu lửa của Rystad Energy - cho rằng OPEC vẫn cần phải hành động mạnh hơn để tạo sự cân bằng cung-cầu bền vững trên thị trường dầu.
"Nỗ lực giảm sản lượng của OPEC vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề. Đó chỉ là một giải pháp hời hợt, chưa đủ để thị trường cân bằng trong quý 1/2020", ông Tonhaugen nhận xét.
Ngày thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có một lễ ký kết để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên nhất trí hồi đầu tháng này. Năm nay, thương chiến Mỹ-Trung đã gây áp lực suy giảm giá dầu vì xung đột này đặt ra nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Gần đây, khi Washington và Bắc Kinh giảm căng thẳng, áp lực này cũng giảm theo.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu sức ép giảm từ sự gia tăng nguồn cung.
Một thỏa thuận ký giữa Kuwait và Saudi Arabia ngày thứ Ba có thể làm gia tăng nguồn cung dầu trong năm tới. Đây là một thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh chấp kéo dài 5 năm qua giữa hai nước thành viên OPEC và mở lại những mỏ dầu có công suất sản lượng khoảng 0,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 13 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Với sản lượng khai thác dầu tăng liên tục, lượng dầu tồn kho của Mỹ đã tăng khoảng 1% trong năm nay.