Nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP đường bộ: Băn khoăn ngân sách trung hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng thuận với đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ lên “không quá 70%” song một số đại biểu Quốc hội kiến nghị có thể lên mức 80%.
Quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Làm rõ nội dung đề xuất tại hội trường ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ băn khoăn về nguồn lực ngân sách trung và dài hạn cho khoản đầu tư tăng thêm từ phía Nhà nước.

Tạo động lực thu hút vốn tư nhân

Tại Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Nghị quyết), một trong những nội dung đáng chú ý là tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 70% tổng mức đầu tư.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để bảo đảm tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Ngoài ra, một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định hiện hành sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, Chính phủ đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước nhằm tạo động lực lớn hơn trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại hội trường ngày 9/11, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, cơ sở quan trọng nhất để xác định tỷ lệ góp vốn của Nhà nước là sự cân bằng giữa việc không làm mất đi tính chất "hợp tác công tư" và tính khả thi của tỷ lệ góp vốn. Bởi vì, nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, dự án và không có những lợi ích khác.

Theo ông Hiếu, Chính phủ tham chiếu Nghị quyết thí điểm của TP.HCM để đưa ra con số 70% là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải lấy đúng như con số của TP.HCM vì bối cảnh cũng như hiệu quả kinh tế của các nhà đầu tư tại dự án PPP ở địa phương khác nhau có thể sẽ rất khác nhau.

Với lý lẽ đó, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng và nâng tỷ lệ này lên mức 80%, vì đây là tỷ lệ tối đa phần vốn nhà nước có thể được tham gia và tạo “dư địa” để các địa phương đàm phán với các nhà đầu tư.

Cân nhắc nguồn vốn, cơ chế bố trí vốn

Từ góc độ khác, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng) nêu ví dụ về Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020. Đến nay, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt dự án đầu tư và dự kiến tổ chức khởi công ngày 22/12/2023. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các bước để lựa chọn nhà đầu tư, Dự án đã và đang gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, với quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn tại các ngân hàng thương mại, việc huy động vốn tín dụng trong nước cho dự án trên đang gặp khó khăn. Theo đó, phía ngân hàng chỉ cam kết cho vay tối đa khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án như quy định hiện hành, dự án này đang bị thiếu vốn và cần sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi.

Đồng thời, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung Dự án Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào danh mục các dự án thí điểm chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là một vấn đề hết sức khó và nhạy cảm. Tỷ lệ này ở mức 50% theo quy định hiện hành đang gây khó cho việc triển khai nhiều dự án và đặt ra yêu cầu phải nâng lên, song nâng lên mức nào để giữ được nguyên tắc hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm được tính khả thi thì cần hết sức cân nhắc. Con số 70% được xem xét đưa vào Dự thảo Nghị quyết dựa trên đánh giá Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được nghiên cứu và đánh giá rất kỹ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nâng lên mức 75% hoặc 80% là điều tích cực, nhưng sẽ phải tính toán và cân đối nguồn tiền bố trí cho khoản tăng thêm để báo cáo cấp thẩm quyền khi đưa vào danh mục dự án thí điểm theo nghị quyết này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước đây nhà đầu tư cam kết sẽ tham gia 6.200 tỷ đồng, nhưng đến nay các nhà đầu tư và ngân hàng chỉ tham gia được 3.000 tỷ đồng. “Xin Quốc hội bổ sung Dự án vào danh mục của Nghị quyết. Bên cạnh đó, cần xem xét cấp thẩm quyền quyết định thay đổi các cam kết và nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ giải quyết theo cách thức số vốn đầu tư còn thiếu của Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ thực chi bắt đầu từ sau năm 2025, để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho cơ chế sử dụng một nguồn đầu tư của giai đoạn 2026 - 2030 đủ điều kiện phê duyệt trước, sau này lúc thực hiện sẽ tính toán và cấn trừ vào giai đoạn 2026 - 2030.

Chuyên đề