Nâng tầm hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nội dung về ưu đãi hàng hóa sản xuất trong nước sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tiến tới phát huy toàn diện chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc ưu tiên dùng hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển bền vững. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc ưu tiên dùng hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển bền vững. Ảnh: Tiên Giang

Chú trọng ưu tiên hàng Việt trong đấu thầu

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, sản phẩm “Make in Việt Nam” trên nhiều lĩnh vực đã và đang chiếm được nhiều niềm tin của các chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) khi tổ chức mua sắm. Nhiều CĐT đã tin tưởng vào các sản phẩm sản xuất trong nước như máy tính, sữa, nhiều sản phẩm ngành điện...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM - đơn vị được giao làm đầu mối mua sắm tập trung của TP.HCM cho biết, từ năm 2019 đến nay, sản phẩm máy tính thương hiệu Việt Nam như FPT chiếm lĩnh phần lớn trong các gói thầu mua sắm của Trung tâm. Qua khảo sát, đánh giá từ các đơn vị sử dụng, máy tính FPT thực sự đảm bảo phục vụ tốt cho công việc của cán bộ, công chức sự nghiệp của Thành phố. Do đó, BMT với vai trò đầu mối mua sắm yên tâm khi tổ chức đấu thầu với sự hiện diện của hàng Việt.

Cũng tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, sản phẩm sữa Việt Nam như Vinamilk, TH True milk có sự cạnh tranh gay gắt về giá trong nhiều năm qua. “Sữa học đường cho trẻ em của TP.HCM phải đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, quy cách đóng gói, vận chuyển… mà điều này hiện thương hiệu sữa Việt Nam có thể áp đảo các thương hiệu nước ngoài”, đại diện Trung tâm cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của EVN, hành trình đưa hàng Việt vào các công trình, hàng hóa mua sắm của EVN đã được hình thành, kiên định thực hiện từ rất sớm để có thể đạt được những thành quả như hôm nay.

Theo đó, chỉ đạo xuyên suốt của Tổng giám đốc EVN đối với các đơn vị trong EVN là cần chú trọng tìm nguồn cung cấp vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất trong nước để sử dụng phù hợp với hoạt động của EVN, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ổn định sản xuất - kinh doanh. EVN đã công bố và trao thưởng cho 6 sản phẩm “Make by EVN” và đăng ký 3 sản phẩm “Make in Viet Nam” gồm: Công tơ điện tử CPC EMEC; Phần mềm thu thập dữ liệu công tơ đo đếm; Trạm sạc nhanh cho ô tô điện.

Theo các chuyên gia đấu thầu, việc chú trọng công tác lập kế hoạch đấu thầu nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để “hàng Việt” tham dự thầu đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo đó, khi lựa chọn nhà thầu, nếu các BMT/CĐT tuân thủ quy định về đấu thầu sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt được trọng dụng. Bên cạnh đó, cần coi trọng khâu nghiên cứu thị trường nhà thầu để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu phù hợp, tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước tham gia. Đồng thời, cần cập nhật thông tin về các sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

“Khi lập hồ sơ mời thầu cần lưu ý đưa ra các tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm phù hợp để đảm bảo tính cạnh tranh. Nghiên cứu các giải pháp, cơ chế để có thể tăng cường sử dụng nguyên, nhiên liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết.

Luật Đấu thầu tiếp tục là “bệ đỡ” ưu tiên hàng Việt

Theo đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong một khảo sát gần đây của VCCI, phần lớn các nhà thầu cho rằng “hoàn toàn cần thiết” quy định trong Luật Đấu thầu về ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước nhằm góp phần phát triển doanh nghiệp và nền sản xuất trong nước.

Trong khi đó, theo Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự thảo sẽ có nhiều bổ sung vào Điều 12 của Luật (Ưu tiên, ưu đãi trong đấu thầu). Cụ thể, sẽ bổ sung các quy định về ưu tiên, ưu đãi đối với nhà thầu sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm đổi mới, sáng tạo.

Đồng thời, bổ sung quy định về ưu tiên cho hàng hóa sản xuất trong nước (Khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật) nhằm nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa trong nước theo hướng: đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 3 sản phẩm cho 3 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì người có thẩm quyền quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo đánh giá của các CĐT cũng như nhà thầu, đây là bước tiến quan trọng nhằm tạo cơ hội cho cấp có thẩm quyền chủ động hơn khi chọn hàng hóa sản xuất trong nước.

Điều 5 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (NĐ63) quy định: “Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa”.

Đại diện Tập đoàn Tuấn Ân chia sẻ, nhà thầu chứng minh được chi phí sản xuất trong nước càng cao thì mức độ ưu đãi càng lớn vì Khoản 1 Điều 3 NĐ63 quy định: Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả).

Như vậy nhà thầu chứng minh chi phí sản xuất hàng hóa trong nước bằng cách đưa ra tài liệu, giấy tờ ghi nhận chi phí nguyên vật liệu trong nước, chi phí nhân công trong nước, các chi phí khác là đủ cơ sở để BMT/CĐT có căn cứ tính đúng ưu đãi khi dự thầu. “Hiểu đúng tinh thần này, nhà thầu là đơn vị có chi phí sản xuất hàng hóa trong nước được ưu đãi ở nhiều mức độ, giai đoạn khi dự thầu”, đại diện Hiệp hội Cơ điện Bình Dương chia sẻ.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các nội dung đột phá khi tính ưu đãi cho nhà thầu cung cấp hàng hóa sản xuất trong nước đã giúp nhiều CĐT/BMT áp dụng tốt chính sách ưu tiên hàng Việt. “Luật đã đưa ra quy định từ năm 2013, hướng dẫn chi tiết việc triển khai thông qua các văn bản dưới Luật cũng kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm các quy định theo hướng tăng quyền cho người có thẩm quyền sẽ thực sự phát huy thêm hiệu quả của chính sách ưu đãi hàng Việt”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Thực tế, bệ đỡ cho hàng Việt khi đấu thầu đã có nhiều khung chính sách, bắt đầu từ Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/4/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Luật Đấu thầu 2013; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới...

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về cơ bản đã làm rõ sự cần thiết ban hành, bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật… Đặc biệt, Dự thảo Luật đã kịp thời nắm bắt chủ trương, chỉ đạo thông suốt của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc ưu tiên dùng hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển bền vững.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư