Ảnh minh họa |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, giao thông vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải có nhiều ưu việt, vận tải số lượng hàng hóa lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, giá thành thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, là phương thức vận tải đang được nhiều nước ưu tiên sử dụng, đầu tư phục vụ quá trình phát triển bền vững. Việt Nam có hệ thống 3.551 sông kênh với tổng chiều dài 80.577 km, 3.260 km bờ biển, 124 cửa sông ra biển là nguồn tài nguyên lớn để vận tải thuỷ và là đặc điểm cạnh tranh quốc gia đặc thù. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hoạt động vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh quốc gia, việc thực thiện, tuân thủ pháp luật về giao thông đường thủy còn hạn chế.
Trong tổng số 80.577 km sông, kênh, rạch… có khoảng 41.900 km đang khai thác vận tải, nhưng mới đưa vào quản lý 26.600 km đạt 63,33%, (đường thủy nội địa quốc gia 7.072 km và đường thủy nội địa địa phương 19.528 km). Vùng nước từ mép hành lang bảo vệ luồng về phía mỗi bờ có hoạt động vận tải thủy và các hoạt động khác, như nuôi trồng thủy sản (lồng, bè cá), đăng đáy cá; khai thác khoáng sản; xây dựng công trình. Như vậy, về chiều dài còn trên 15.000 km sông, kênh, rạch và hàng chục ngàn km2 vùng nước ngoài phạm vi luồng đường thủy nội địa có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải chưa được phân định tổ chức quản lý rõ ràng, đây là khoảng trống tạo ra các bất cập về an toàn giao thông, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường.
Hiện có 8.506 bến thủy nội địa, trong đó có 2.125 bến không có giấy phép hoạt động, chiếm tỷ lệ 25%. Những bến thủy không được cấp giấy phép nhưng vẫn hoạt động khai thác nhiều năm qua, gây mất an toàn cho các công trình, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tiềm ẩn nhiều bất cập. Việc phân cấp, ủy quyền quản lý đường thủy nội địa, cảng bến thủy nội địa cho địa phương đã được quy định, nhưng tổ chức thực hiện chưa thống nhất, như một số tuyến còn chưa đồng bộ giữa quản lý tuyến và quản lý cảng, bến dọc theo tuyến, thiếu cơ chế giám sát để quản lý có hiệu quả; sự đan xen giữa cảng biển và tuyến luồng đường thủy nội địa cũng gây bất cập đến hoạt động quản lý…
Bộ Giao thông vận tải đề xuất xây dựng Nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa; quy định thống nhất biện pháp quản lý phù hợp với quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và thực tiễn khai thác, quản lý hoạt động giao thông vận tải; bổ sung quy định điều chỉnh những hoạt động phát sinh trong thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật trước đây chưa đề cập.
Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 65 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định về quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; hoạt động của phương tiện trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và vùng nước chưa được tổ chức quản lý; bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trên đường thủy nội địa; phòng ngừa ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường…
Tiêu chí phân loại đường thủy nội địa
Theo dự thảo, đường thủy nội địa quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí sau: Là ranh giới hành chính từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; thuộc phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng là tuyến vận tải đường thủy nội địa liên tỉnh; nối liền các trung tâm kinh tế, văn hoá xã hội, các đầu mối giao thông vận tải quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia; đường thuỷ nội địa trên biên giới và qua biên giới; quy hoạch chi tiết tuyến đường thủy nội địa.
Tiêu chí đường thủy nội địa địa phương: Thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; quy hoạch chi tiết đường thủy nội địa địa phương.
Tiêu chí đường thủy nội địa chuyên dùng: Nối liền cảng, bến thuỷ nội địa chuyên dùng của tổ chức, cá nhân với đường thuỷ nội địa quốc gia hoặc đường thuỷ nội địa địa phương; phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải của tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng.