Nâng bước các ý tưởng đổi mới sáng tạo Việt Nam

(BĐT) - Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 28/10/2023. Dấu mốc quan trọng này được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia hàng đầu đặt nhiều kỳ vọng, nhất là kỳ vọng NIC sẽ là bệ phóng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển nền kinh tế Việt Nam nhanh và bền vững.

Khích lệ tinh thần khởi nghiệp ĐMST Việt Nam

TS. Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại Hàn Quốc

NIC Hòa Lạc khánh thành và đi vào hoạt động là một sự kiện lớn, khích lệ cộng đồng khởi nghiệp (startup) Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST Việt Nam.

Tôi hy vọng, khi đi vào hoạt động, NIC Hòa Lạc sẽ cung cấp không gian làm việc chất lượng, cơ sở hạ tầng tốt cho các startup và doanh nghiệp công nghệ; tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, sự kiện chất lượng cao để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, NIC Hòa Lạc sẽ thúc đẩy hợp tác, kết nối giữa các startup, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng khác như tư vấn pháp lý, tiếp cận nguồn vốn, mạng lưới đối tác... Qua đó, Trung tâm sẽ vừa là nơi hội tụ, vừa là nơi thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng mới, sản phẩm mới tại Việt Nam.

Tin tưởng NIC sẽ là vườn ươm của các startup kỳ lân

TS. Nguyễn Việt Anh, CEO & Founder INTERCOM-IDC; sáng lập và nguyên Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại châu Âu; chuyên gia cao cấp Năng lượng hydrogen xanh Tập đoàn Siemens Energy (Đức)

Tôi vô cùng vui mừng và tự hào khi có thể về Việt Nam tham dự Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc cùng Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023 từ ngày 28/10 - 1/11/2023. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác hãnh diện khi là 100 chuyên gia người Việt, gốc Việt được Chính phủ Việt Nam mời về thành lập Mạng lưới ĐMST Việt Nam vào năm 2018. Tôi tin chắc rằng, 100 anh chị em chuyên gia đầu tiên của Mạng lưới ở thời điểm đó cũng có cảm giác như tôi.

Khi NIC Hòa Lạc đi vào hoạt động, tôi kỳ vọng đây sẽ là trung tâm hội tụ, thu hút các chuyên gia Việt, gốc Việt, nhà đầu tư và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực ĐMST, công nghệ, startup.

NIC Hòa Lạc sẽ là vườn ươm của các startup kỳ lân, cung cấp sản phẩm công nghệ, ĐMST đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và xa hơn nữa là khu vực, thế giới.

Tôi mong NIC Hòa Lạc nói riêng và NIC nói chung gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và giữ vị trí “đầu tàu” ĐMST, khởi nghiệp và thu hút đầu tư của Việt Nam.

“Điểm tựa” về vật chất và tinh thần cho các startup

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam

Từ góc nhìn của một nhà đầu tư, tôi đánh giá, sự kiện khánh thành và đưa công trình NIC Hòa Lạc vào hoạt động là dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Theo thiết kế và các thông tin công bố, NIC Hòa Lạc sẽ là nơi hội tụ đầy đủ hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, trong đó có nhiều không gian cho startup. Thông thường, các DN mới khởi nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định về vốn, mặt bằng... Thấu hiểu vấn đề này, Chính phủ đã có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC (Nghị định số 94/2020/NĐ-CP). Với Nghị định này, nếu DN khởi nghiệp sáng tạo tại NIC sẽ có được sự hỗ trợ cả vật chất và tinh thần.

Cụ thể, DN khởi nghiệp được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế... Về tinh thần, DN khởi nghiệp có cơ hội tiếp xúc, kết nối với nhiều thành tố trong hệ sinh thái ĐMST trong và ngoài nước một cách thuận lợi, dễ dàng hơn so với các startup không có văn phòng tại NIC. Tôi tin rằng, NIC Hòa Lạc được đưa vào hoạt động cùng với NIC Hà Nội sẽ là bước đi tạo điểm tựa cho các startup trong nhiều ngành, nhất là ngành công nghệ.

Về phía nhà đầu tư, tôi cũng cho rằng, NIC Hòa Lạc khai trương hoạt động thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy ĐMST Việt Nam, hỗ trợ các DN nắm bắt các cơ hội phát triển.

Cần tạo ra thị trường mở cho đổi mới sáng tạo

Ông Phạm Kim Cương, Founder, CEO của Cohost AI

Tôi đã được giới thiệu về Dự án NIC Hòa Lạc cách đây hơn 5 năm khi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thăm và làm việc tại thung lũng Silicon (Hoa Kỳ). Chúng tôi hào hứng và kỳ vọng rất nhiều vào dự án này của Bộ KH&ĐT. Sau thời điểm đó, chúng tôi quyết định trở về nước lập nghiệp với mong muốn góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST Việt Nam.

Sau quãng thời gian chờ đợi, đến nay, NIC Hòa Lạc đã hoàn tất công tác đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động. Để NIC Hòa Lạc nói riêng và NIC thực sự trở thành “bệ phóng” thúc đẩy ĐMST Việt Nam, NIC Hoà Lạc cần trở thành trung tâm mở cho các doanh nghiệp kết nối với các cơ hội kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. NIC Hoà Lạc cần thúc đẩy công nghệ AI và sản xuất chip, tạo ra một hệ sinh thái nhỏ, nhưng có lợi nhuận bền vững. Đây là 2 ngành mà chúng ta đang có lợi thế, từ đó phát triển thêm các ngành chiến lược khác.

NIC có thể giúp các startup Việt Nam “hội nhập” với môi trường ĐMST trên thế giới thông qua triển lãm hay các khoá huấn luyện cùng với các chuyên gia quốc tế, những người có mong muốn đào tạo và đóng góp cho thế hệ tương lai của Việt Nam.

NIC có thể tạo ra cơ chế để các tập đoàn lớn tại Việt Nam được phép chi tiền cho ĐMST từ ngân sách của mình. Điều này nhằm tạo ra một thị trường mở, cạnh tranh hơn, khuyến khích cho các sản phẩm mới ra đời tại ngay chính đất nước của chúng ta, thay vì phải bắt đầu ở một nước khác với một cơ chế thân thiện hơn.

Chuyên đề