Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Sau khi lắng nghe gần 20 ý kiến đóng góp tâm huyết của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và ý kiến các bộ, ngành, Phó Thủ tướng nói: “Hội nghị trao đổi cởi mở, thẳng thắn với những thông tin tương đối đầy đủ về các ngành, lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế, làm cơ sở quan trọng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”.
Đang đi đúng hướng
Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 là năm bản lề, do đó việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Với những nỗ lực vượt bậc, kết quả phát triển kinh tế quý I/2018 là hết sức khả quan cùng những điểm sáng tăng trưởng trong công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu,... Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được đánh giá là động lực tăng trưởng quan trọng, có khả năng dẫn dắt trong các lĩnh vực mũi nhọn.
Tăng trưởng GDP của quý I đạt 7,38% (cùng kỳ 2017 tăng 5,15%), trong đó cả 3 khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,05% (cùng kỳ tăng 2,08%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,70% (cùng kỳ tăng 4,48%); khu vực dịch vụ ước tăng khoảng 6,70% (cùng kỳ tăng 6,36%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I duy trì đà tăng trưởng cao, ở mức 11,6% (cùng kỳ tăng 5,1%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất , đạt 13,9% (cùng kỳ tăng 7,8%); sản xuất và phân phối điện tăng 10,5% (cùng kỳ tăng 8,5%); khai khoáng tăng 0,4% (cùng kỳ giảm 8,5%).
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển tích cực. Xuất khẩu ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 14,8%); nhập khẩu ước đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% (cùng kỳ tăng 24,4%). Xuất siêu 1,3 tỷ USD.
“Qua báo cáo kết quả của các ngành, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, có thể nói chúng ta đang có những bước đi đúng hướng, đi vào những giá trị cốt lõi và bền vững của phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả thuận lợi nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quý I/2018 vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” mà chúng ta phải tập trung khắc phục hiệu quả.
“Những khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân”, Phó Thủ tướng nói. Cùng với đó là những hạn chế như phát triển kết cấu hạ tầng còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển; nguồn lực con người, năng suất lao động còn thấp; năng lực cạnh tranh còn thấp. Rủi ro thị trường, chi phí đầu vào tăng cao, các rào cản thuế quan, thương mại, hàng rào kỹ thuật ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng lớn; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng; tình hình sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm chủ lực có những diễn biến không thuận lợi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP
Tình hình quý I/2018 đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhiệm vụ rất khó khăn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2018 đã đề ra.
Do đó, “chúng ta phải luôn xác định tâm thế chủ động, linh hoạt ứng phó, luôn có giải pháp triển khai các nhiệm vụ và tăng cường phối hợp liên ngành, từ trung ương đến địa phương, không ngừng đặt ra những yêu cầu mới, mục tiêu mới cao hơn để vượt lên”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, từ kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo, điều hành năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từng doanh nghiệp phải thường xuyên rà soát từng ngành, từng sản phẩm chủ lực, từ đó kịp thời có điều chỉnh phù hợp nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
“Các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức thật rõ vai trò, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, địa bàn..., nắm chắc tình hình sản xuất của từng doanh nghiệp, sản phẩm để có giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng” Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.
Đây là bài học kinh nghiệm rất quan trọng, là một trong những nguyên nhân giúp Chính phủ điều hành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
“Từng doanh nghiệp sẽ biết rất rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của mình, nhưng trên góc độ điều hành vĩ mô, các bộ, ngành, địa phương có nắm chắc được không? Nếu nắm chắc, sẽ có phương án kịp thời tháo gỡ khó khăn, sẽ xác định ngay được nếu thiếu hụt sản phẩm này thì có thể bù đắp bằng sản phẩm khác để đảm bảo tăng trưởng”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP và Chương trình hành động của bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
“Chính phủ làm ở tầm Chính phủ, địa phương ở tầm địa phương, doanh nghiệp ở tầm doanh nghiệp. Tái cấu trúc phải dựa trên thị trường; gắn với ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng doanh nghiệp, địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch phát triển, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch, xác định rõ nguồn lực, thứ tự ưu tiên triển khai; rà soát lại tất cả các chỉ tiêu kế hoạch, xác định rõ các nguyên nhân, hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.