Nam Phi phát hiện biến chủng mới của Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện một biến chủng mới của virus Sars-CoV2 với nhiều đột biến...
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid tại một trung tâm tiêm chủng ở Cape Town, Nam Phi hôm 20/8 - Ảnh: Reuters.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid tại một trung tâm tiêm chủng ở Cape Town, Nam Phi hôm 20/8 - Ảnh: Reuters.

Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện một biến chủng mới của virus Sars-CoV2 với nhiều đột biến, nhưng chưa xác định được biến chủng này có lây lan mạnh hơn hay chống lại được miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc đã từng mắc Covid hay không.

Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Nam Phi cho biết, biến chủng mới có tên C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5 và hiện đã lan ra hầu hết các tỉnh của Nam Phi cũng như 7 quốc gia khác ở châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.

Biến chủng này chứa những đột biến giống như ở các biến chủng khác có khả năng lây lan nhanh hơn và chống lại kháng thể trung hoà.

Tuy nhiên, các đột biến như vậy có sự kết hợp khác trong biến chủng này, và các nhà khoa học chưa dám chắc điều đó có ảnh hưởng tới khả năng lây lan và chống lại miễn dịch của biến chủng hay không. Các thí nghiệm vẫn đang diễn ra để xác định xem kháng thể có thể trung hoà biến thể này ở mức độ như thế nào.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hiện biến chủng Beta, một trong 4 biến chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là “biến chủng đáng lo ngại”, bên cạnh các biến chủng Alpha, Delta và Gamma.

Biến chủng Beta được cho là dễ lây hơn phiên bản đầu tiên của Sars-CoV2 và đã có những bằng chứng cho thấy tác dụng của vaccine giảm đối với biến chủng này. Vì vậy, một số quốc gia đã áp hạn chế đi lại đối với Nam Phi.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Richard Lessells, một trong những tác giả của nghiên cứu về biến chủng C.1.2, nói rằng sự xuất hiện của biến chủng này nói lên một điều rằng “đại dịch còn lâu mới kết thúc và virus này sẽ tiếp tục tìm cách để lây nhiễm mạnh hơn”.

Tuy nhiên, ông Lessells cho rằng mọi người không nên quá hoảng sợ ở giai đoạn này, và các biến chủng với nhiều đột biến hơn sẽ còn xuất hiện trong đại dịch.

Dữ liệu giải mã trình tự gen từ Nam Phi cho thấy biến chủng C.1.2 chưa đủ khả năng thay thế Delta - biến chủng đang chiếm chủ đạo trên toàn cầu hiện nay.

Trong tháng 7, biến chủng C.1.2 chiếm 3% số mẫu, so với mức 1% trong tháng 6, trong khi biến chủng Delta chiếm 89% trong tháng 7, từ mức 67% trong tháng 6.

Delta là biến chủng nhanh nhất và mạnh nhất của Sars-CoV2 mà thế giới từng chứng kiến tính đến thời điểm này. Delta đã làm đảo lộn mọi dự tính về Covid-19, khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng hạn chế và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ông Lessells nói biến chủng C.1.2 có thể có đặc tính “né” miễn dịch cao hơn so với Delta, dựa trên xu hướng đột biến, và phát hiện này đã được báo cáo lên WHO.

Chuyên đề