Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975 |
Những hồi ức của Đại tướng và những bức hình tư liệu về hoạt động chỉ huy tác chiến của cơ quan đầu não của ta trong những năm tháng oai hùng đã giúp chúng tôi có dịp được tiếp cận những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ thống soái tối cao, trong đó sự chuẩn bị chu đáo, khả năng nắm bắt thời cơ và tạo nên thời cơ có vai trò quan trọng đưa đến chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
Tổ trung tâm và kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam
Quá trình chuẩn bị chủ trương và giải pháp lớn về quân sự, mà trọng tâm là xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, một Tổ trung tâm đã được thành lập, gồm các đồng chí: đại tá Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến, hai thượng tá là Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức, lúc đó đều là Phó Cục trưởng, và đồng chí thiếu tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn được chỉ định làm Tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trình Bộ Chính trị.
Theo Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 4/1973, Tổ trung tâm được thành lập. Ngày 5/6/1973, Tổ trung tâm hoàn thành bản dự thảo Đề cương kế hoạch chiến lược mang số 305 TG1 (dự thảo lần 1).
Hồi ức của Đại tướng cho biết, bản kế hoạch chiến lược hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam được dự thảo, chỉnh lý, hoàn thiện đến 8 lần trong suốt thời gian từ năm 1973 đến đầu năm 1975. Diễn biến của quá trình hoàn thiện và điều chỉnh kế hoạch cho thấy quá trình phản ứng nhanh, nắm bắt thời cơ và tạo thời cơ của Bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong giai đoạn cuối cùng. Trong đó, đáng chú ý là ban đầu kế hoạch chưa xác định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Và sau bản dự thảo lần thứ 7, đã xuất hiện yêu cầu về kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ để giải phóng miền Nam trong năm 1975 khi thời cơ đến.
Theo Hồi ký, ngày 30/9/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc tại Tổng hành dinh (nằm trong khu vực thành cổ Hà Nội - PV). Tại Hội nghị, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo đề án kế hoạch chiến lược hai năm và riêng năm 1975, với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Kế hoạch chiến lược gồm 2 bước: Bước 1 (1975) là Tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp; và Bước 2 (1976) là Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Hội nghị nhất trí phê duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị. Hội nghị yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ… Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Hồi ký cũng cho biết, sáng ngày 8/10/1974, đồng chí Bí thư thứ nhất (Bí thư Lê Duẩn - PV) kết luận Hội nghị. Sau 7 ngày thảo luận, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các đồng chí lãnh đạo chiến trường đã có sự nhất trí quan trọng là đã đến lúc hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
“Có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn đối với dân tộc”
Theo ghi chép của Đại tướng, sau cuộc họp tháng 10/1974, Bộ Chính trị thấy cần có thêm thời gian đánh giá tình hình kỹ hơn, thảo luận sâu hơn, xây dựng kế hoạch đầy đủ hơn để đi tới hạ quyết tâm chiến lược có cơ sở khoa học, bảo đảm chắc thắng. Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) từ ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975 thông qua lần cuối bản kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.
Tại Hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ý kiến: “Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phải kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ. Phải tích cực phát triển cái đúng, cái hay của ta, khoét sâu cái nhược điểm, cái sai lầm của địch thì tất yếu thời cơ sẽ xuất hiện... Hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975 - 1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng tình huống sớm hơn, trong năm 1975, và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động, vững vàng”.
Ngày 8/1/1975, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận Hội nghị. Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Nghị quyết nêu rõ: Cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, phong trào chính trị thúc đẩy thời cơ, tình hình thế giới và nội bộ nước Mỹ là thời cơ, từ bình thường đến vừa, đến cao, đến đột biến với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, do đó cần phải khẩn trương, phải đánh nhanh hơn, nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn đối với dân tộc.
Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976. Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975 - 1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Quyết định kịp thời, khẩn trương nắm bắt thời cơ
Theo các nguồn tư liệu lịch sử, hạ tuần tháng 3/1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, tạo bước ngoặt trong quá trình phát triển của cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam.
Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “Tình hình đang chuyển biến rất nhanh. Mở đầu tiến công mới 10 ngày, đã tiêu diệt đại bộ phận Quân đoàn II ngụy, giải phóng Tây Nguyên. Đã xuất hiện hành động co cụm lớn của địch. Quân ngụy suy sụp nhanh, Mỹ không dám liều lĩnh, ít khả năng can thiệp trở lại. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976”.
Như vậy, trước tình hình diễn biến thực tế, các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhanh chóng đưa ra những quyết định khẩn trương, xác đáng. Tinh thần làm việc toàn tâm, toàn ý toát lên qua hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hội nghị thảo luận sôi nổi”... “Hội nghị làm việc khẩn trương, hào hứng, phấn khởi, kể cả trong giờ nghỉ”... “Anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng và các anh khác trong Bộ Chính trị lần lượt phát biểu ý kiến, phân tích thêm về thế đi xuống của địch, về cách đánh chiến lược của ta. Tất cả đều thống nhất: ta đang đứng trước thời cơ chưa từng có, và đồng ý với kiến nghị của Quân ủy Trung ương cần giành thắng lợi hoàn toàn trong năm 1975, kiên quyết nắm bắt thời cơ, thắng càng nhanh càng tốt”... “Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 18/3 đã quyết định rất kịp thời, khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ” - Hồi ký của Đại tướng viết.
Qua những dòng hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trí tuệ cùng sự dũng cảm, kiên cường, tận tâm của một tập thể tài năng thuộc lớp cận vệ đầu tiên, từ các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan, những đồng chí, đồng đội hiện lên hết sức chân thực, hết sức trân trọng.
Chiến thắng 30/4/1975 đã chấm dứt ách thống trị của thực dân, đế quốc hơn 100 năm trên đất nước ta, Việt Nam thống nhất, non sông thu về một mối. Trên mỗi chặng đường của cuộc đấu tranh, tài thao lược của Đảng ta luôn là nhân tố quyết định thắng lợi. Nhờ đánh giá đúng tình hình, dự kiến đúng thời cơ, chủ động và kiên quyết hành động, Đảng đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tạo nên thế và lực mới, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.