Ảnh minh họa: Internet |
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), khi cùng lúc chịu áp lực bởi xu hướng gia tăng của lạm phát, lãi suất, đồng USD trên phạm vi toàn cầu; bên cạnh những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong nước.
Một loạt bài toán khó đã được đặt ra như: Làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo; Làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Mỹ...; Làm thế nào ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB chưa từng có tiền lệ.
Với sự bình tĩnh, chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách của NHNN, kết thúc năm 2022, CSTT đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Cụ thể, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực), thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra nhận định rằng, 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo năm 2023 khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế; những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Do đó, trong năm 2023, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng. NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên...