Năm 2022: Cơ cấu tín dụng chưa đúng định hướng ưu tiên, tín dụng bất động sản tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Kết quả kiểm toán cho thấy, cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiểm ẩn rủi ro.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình). Trong đó, KTNN đã đánh giá việc thực hiện các chính sách tiền tệ năm 2022.

Về cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên so với năm 2021, KTNN cho biết, ngoài dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%) và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%) do ảnh hưởng của dịch Covid; các lĩnh vực ưu tiên còn lại mặc dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021 nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành (14,18%); tỷ trọng dư nợ của các ngành này so với dư nợ toàn nền kinh tế năm 2022 đều giảm so với năm 2021.

Trong khi đó, đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dư nợ cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đạt 2.581 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 (cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng chung toàn ngành).

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán chỉ rõ, đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2023 cho thấy, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng, một số TCTD thiếu hụt vốn khả dụng, dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản.

Đối với các TCTD yếu kém, KTNN đánh giá, phương án xử lý TCTD yếu kém (3 ngân hàng) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 03 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc, 01 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Tình hình tài chính của các ngân hàng này vẫn rất khó khăn: Nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; một số ngân hàng thương mại (NHTM) tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng. Cụ thể: khối NHTM cổ phần năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối TCTD phi ngân hàng tăng từ 37% năm 2021 lên 42% năm 2022.

Tại thời điểm 31/12/2022, ngoài những NHTM yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn (Oceanbank, GPBank, CBbank, DongAbank, SCB), còn một số NHTM có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với TCTD.

Về vấn đề lãi suất cho vay, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đặt mục tiêu phấn đấu giảm khoảng 0,5%-1%. Kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD. Tuy nhiên, các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng; biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Chỉ trong thời gian ngắn, NHNN đã có 02 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2%, dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có tháng lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

“Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022, là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với năm 2021.

Chuyên đề