Công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực có mức tăng tín dụng cao trong năm 2018. Ảnh: Lê Tiên |
Theo bà Giang, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và trải đều qua các tháng, đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Kết quả là, đến cuối năm, tín dụng chảy vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng khoảng 15,5%, chiếm khoảng 24% dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế. Đáng chú ý, tín dụng cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 8,8%. Trong đó, dư nợ tín dụng với một số sản phẩm chủ lực có thể mạnh xuất khẩu của Việt Nam có mức tăng khá cao. Chẳng hạn, tín dụng cho lúa gạo tăng 23%, thủy sản tăng 14%, cà phê tăng 13,67%.
Ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng tín dụng đến cuối năm 2018 là khoảng 12,1%, trong đó, tín dụng cho ngành chế biến, chế tạo tăng 13,5%.
Tín dụng cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng gần 16%, tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 13,5%, tín dụng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng khoảng 17%.
Năm 2019, NHNN tiếp tục phương châm tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng.