Phái viên Mỹ Robert Wood và phái viên Triều Tiên Ju Yong-chol. Ảnh:Reuters, AP. |
Cuộc tranh luận tại Liên Hợp Quốc bắt đầu khi ông Robert Wood, phái viên Mỹ hôm 22/8 cho biết mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ Washington và các đồng minh trước "mối đe doạ gia tăng" từ Triều Tiên. Để làm vậy, ông cho rằng nước này sẵn sàng sử dụng "tất cả năng lực sẵn có".
"Chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên đe doạ nghiêm trọng tới toàn thế giới", Đại sứ Wood phát biểu tại Hội nghị Giải trừ Quân bị. "Những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới đây của nước này cho thấy một ví dụ nữa về hành vi nguy hiểm, liều lĩnh của Triều Tiên, đang gây bất ổn khu vực và hơn thế nữa".
Ông cho rằng "con đường tới đối thoại vẫn là một lựa chọn" với Bình Nhưỡng, nhưng Washington "không ngại tự vệ trước mối đe doạ từ Triều Tiên".
Đáp lại, Đại sứ Triều Tiên Ju Yong-chol cho rằng các biện pháp nhằm tăng cường răn đe hạt nhân, phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này là "lựa chọn chính đáng và hợp pháp".
"Chừng nào chính sách thù địch và mối đe doạ hạt nhân của Mỹ không bị thách thức, Triều Tiên sẽ không bao giờ đặt vấn đề răn đe hạt nhân để tự vệ lên bàn đàm phán, hay lùi một ly khỏi con đường đã đi nhằm tăng cường lực lượng hạt nhân quốc gia", ông Ju nói.
Trong bài phát biểu sau đó, ông Ju tuyên bố: "Mỹ cần hiểu rõ các mối đe doạ quân sự và áp lực chỉ làm động lực thúc đẩy Triều Tiên tiếp tục tăng cường răn đe hạt nhân".
Quan ngại gia tăng xung quanh hoạt động phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân Triều Tiêu kể từ khi Bình Nhưỡng phóng thử các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng 7. Mối lo sợ trở nên cấp bách hơn sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với "lửa và sự giận dữ" nếu đe dọa Mỹ. Triều Tiên tuyên bố cân nhắc kế hoạch phóng tên lửa vào phía đảo Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương nhưng sau đó lãnh đạo Kim Jong-un quyết định hoãn kế hoạch, chờ xem hành vi của Mỹ.
Cuộc đấu khẩu hôm qua diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc khai màn tập trận chung thường niên, sự kiện Triều Tiên nhiều lần coi là "diễn tập xâm lược". Cuộc tập trận mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi" thu hút ước tính 17.500 lính Mỹ và 50.000 lính Hàn Quốc tham gia.